Cần nêu gương, tự giác nhận trách nhiệm!

17:16, 01/05/2019

Thời gian qua, xã hội đặc biệt quan tâm đến câu chuyện thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, trong số đó có con em cán bộ, đảng viên. Dư luận đang trông chờ những phụ huynh là cán bộ, đảng viên này cần tự nêu gương kiểm điểm, nhận trách nhiệm về những việc làm chưa đúng của mình.

Đến giờ phút này, nhiều thí sinh được nâng điểm đã bị trả về địa phương hoặc tự xin thôi học. Đó là điều phải làm để trả lại sự công bằng cho biết bao thí sinh mất cơ hội và bị trượt oan nhưng dư luận đang đòi hỏi cần sớm làm rõ mức độ vi phạm của phụ huynh nhất là những phụ huynh là cán bộ, đảng viên, về vai trò trách nhiệm, tính tự giác tiền phong gương mẫu.

Sự kiện ở nước Mỹ, nơi mà nền giáo dục được xếp vào bậc nhất thế giới, là giấc mơ du học của không biết bao người dân Việt Nam cũng như nhiều quốc gia cũng đang lùm xùm vụ “chạy” vào các trường đại học danh tiếng. Ngay lập tức, tên của những phụ huynh là những diễn viên, những nhân vật có tầm ảnh hưởng đã trả số tiền lớn giúp con họ gian lận ở mỗi bài thi đã được công bố và họ có thể phải đối mặt với án tù lên đến 20 năm.

Ngay gần với nước ta, tuần trước, Singapore vừa xử một cô giáo 3 năm tù vì đã giúp thí sinh gian lận trong thi cử mà theo nhà chức trách là "phá vỡ quy tắc và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đánh giá năng lực thí sinh".

Những cách xử lý trách nhiệm hành chính hay hình sự của các nước nêu trên cũng là những điều rất đáng lưu tâm và sự tham khảo cần thiết cho chúng ta.

Bác Hồ dạy chúng ta phải “thật thà” để phấn đấu trở thành những người công dân tốt, có ích cho xã hội. Sự trung thực đối với những cán bộ, đảng viên là phụ huynh của các trường hợp thí sinh được nâng điểm vừa qua rất cần phải được quan tâm, làm rõ, trước hết ở khía cạnh đạo đức. Rõ ràng là sự thiếu trung thực chính là biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống mà một trong những nguyên nhân là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, vụ lợi.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã chỉ ra một trong những biểu hiện của sự suy thoái chính là: “không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật”, “cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân”.

Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (Quy định số 08-QĐi/TW) cũng chỉ rõ: lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; mẫu mực về đạo đức, lối sống; dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm.

Từ sự việc này, dư luận đang nhìn vào sự chủ động, dũng cảm nêu gương, tự kiểm điểm dám nhận trách nhiệm của những cán bộ, đảng viên có con cháu được nâng điểm. Đồng thời, các tổ chức đảng cần kiểm điểm làm rõ vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong vụ việc trên; theo đó xem có suy thoái về đạo đức, lối sống hay không để có hình thức kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm minh cán bộ, đảng viên vi phạm./.