Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận ở tổ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình bỏ kỷ luật “giáng chức”, vì cho rằng việc quy định đồng thời 02 hình thức kỷ luật “giáng chức” và “cách chức” áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang.
Cho ý kiến về hình thức kỷ luật “giáng chức”, nhiều đại biểu cho hay việc quy định về hình thức kỷ luật” giáng chức” là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Bởi vì, hình thức “giáng chức” thực chất là bổ nhiệm vào chức vụ thấp hơn, trong khi đó tại vị trí được bổ nhiệm đã xác định đủ số lượng lãnh đạo, quản lý.
Giải thích rõ hơn, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ quan điểm: "Nếu sai phạm nghiêm trọng thì “cách chức” luôn, còn khi sai phạm ở mức độ ít nghiêm trọng hơn có thể xử lý khiển trách, cảnh cáo tùy mức độ vi phạm, để bảo đảm tính nghiêm minh, sự nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý kỷ luật ở mức độ nhẹ hơn. Do vậy, không nên tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức".
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị vẫn giữ hình thức kỷ luật “giáng chức” trong Luật, vì cho rằng về mặt pháp lý, quy định hình thức xử lý kỷ luật “giáng chức” đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao và thực tế thời gian qua, căn cứ vào quy định này của Luật Cán bộ, công chức, hình thức kỷ luật “giáng chức” cũng đã được áp dụng.
Đại biểu Hoàng Văn Trà (tỉnh Phú Yên) cho rằng, nên tiếp tục giữ quy định kỷ luật “giáng chức” vì thực tế áp dụng rất ít nhưng cần thiết. Đại biểu dẫn chứng: “Một đồng chí đang là cấp phó đưa lên cấp trưởng nhưng điều hành không được, năng lực không đáp ứng được thì giáng xuống làm cấp phó. Nếu bây giờ đồng chí đó bị cách chức từ giám đốc sở xuống làm chuyên viên, nhân viên luôn thì rất lãng phí về phẩm chất và chuyên môn. Vì vậy, tôi nghĩ nên duy trì “giáng chức” nhưng phải có hướng dẫn cụ thể để không lợi dụng để né “cách chức”, như vậy thì không được”.
Về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, nhiều đại biểu tán thành bổ sung trong dự thảo Luật quy định nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác để thể chế hóa yêu cầu trong nghị quyết Trung ương, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Đồng tình vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Trà cho rằng, hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ nghỉ hưu như hiện nay đang làm và làm rất tốt, có hiệu ứng tốt trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng. Do đó, cần phải luật hóa, tuy nhiên phải quy định kỹ hơn, cụ thể hơn.
“Kỷ luật cán bộ nghỉ hưu rồi thì phải làm rõ tính pháp lý của các văn bản ngày xưa ông này chịu trách nhiệm. Ví dụ, hiệu trưởng ký cho tôi Bằng đại học nhưng giờ bị cách chức hiệu trưởng thì Bằng đó như thế nào, không thể đổi Bằng được”- đại biểu Hoàng Văn Trà bày tỏ.
Cho ý kiến về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nhiều đại biểu tán thành sửa đổi thành các loại thời hiệu khác nhau (02 năm, 05 năm, 10 năm) tùy theo tính chất từng nhóm hành vi vi phạm. Tuy nhiên, đây là nội dung quan trọng cần phải được cân nhắc, đánh giá kỹ, có quy định hợp lý để vừa nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức khi còn đương nhiệm, xử lý nghiêm những người có sai phạm, bảo đảm tính đồng bộ, cân đối trong tương quan với các luật khác về thời hiệu xử lý vi phạm.
Đề nghị không giảm số Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh
Cũng trong chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó tập trung làm rõ về khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa; về việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh; về vấn đề phân quyền, phân cấp và ủy quyền.
Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình việc giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, mà đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành vì cho rằng với 2 Phó Chủ tịch không làm tăng thêm biên chế ở địa phương và nhằm bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban của HĐND cấp tỉnh.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (tỉnh Đồng Tháp) không đồng tình giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND từ 2 người xuống còn 1 người. Theo đại biểu, quy định này không làm tăng thêm biên chế ở địa phương so với trước đó, vì thực chất 1 biên chế được nâng từ chức danh “Ủy viên Thường trực” của HĐND lên Phó Chủ tịch. Việc giữ nguyên số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là nhằm bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
“Cả nước có 63 tỉnh, thành, nếu chúng ta giảm 1 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh nghĩa là giảm 63 người, với mục đích nhằm tinh giản biên chế thì không ăn thua. Trong khi đây là vị trí quan trọng giám sát nhiều vấn đề của tỉnh. Nếu cần thiết giảm thì chỉ nên giảm 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân ở cấp huyện, khi đó số lượng giảm biên chế sẽ đáng kể hơn”- đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Đại biểu Đặng Xuân Phương (tỉnh Đắk Lắk) đồng tình giữ nguyên 02 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động của HĐND, vì cho rằng, dựa vào cơ sở nào để giảm số lượng HĐND, trong khi vai trò của HĐND ngày càng cao; đồng thời đề nghị Chính phủ cần có đánh giá tác động thật kỹ vì đổi mới phải nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng công việc chứ không chỉ nhằm mục tiêu giảm biên chế.
Cho ý kiến về Luật Tổ chức Chính phủ, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) và nhiều đại biểu khác đề nghị Chính phủ phải quy định khung “cứng” số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Không thể làm theo cách như thời gian vừa qua, một số tỉnh, thành “xung phong” làm trước sát nhập sở, ban, ngành, nhưng mỗi tỉnh một kiểu, không nơi nào giống nơi nào, gây “lộn xộn”. Chẳng hạn, quy định luôn mỗi tỉnh ít nhất 19 sở, ban, ngành “khung”, tức là tất cả tỉnh đều phải có những sở, ngành đó. Tuy nhiên, do đặc thù một số tỉnh có thể thêm sở ngành khác. Như vậy, để có sự thống nhất trong cả nước./.