Chủ tịch Quốc hội: Xem lại điều hành giá điện đúng chưa để dân yên tâm

16:04, 08/05/2019

“Khung giá và cơ chế tính giá điện đã có thì giờ xem lại điều hành có đúng hay không để công bố cho nhân dân yên tâm”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh điều này khi thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của Chính phủ tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 8/5.

Nêu ý kiến vào các báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh thời gian qua có nhiều vấn đề rất bức xúc như an toàn giao thông, tội phạm giết người, tội phạm ma tuý khối lượng lớn, bạo hành xâm hại trẻ em, gần đây là giá điện...

“Cử tri hỏi, tôi nói chắc những việc tăng giá này thì Bộ Công Thương cũng phải thực hiện đúng cơ chế và báo cáo Chính phủ chứ Bộ hay EVN sao tự làm được. Chính phủ phải lên tiếng giải thích có đúng hay không” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Liên quan vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nêu dư luận, cử tri bức xúc về việc tăng giá xăng, nhất là giá điện. Dư luận hoài nghi về tính minh bạch và đặt vấn đề trong cơ cấu giá thành điện thì cái nào hợp lý và không hợp lý, phương pháp tính bậc thang và biểu bán lẻ giá điện sinh hoạt còn phù hợp hay không, cũng như thời điểm tăng giá.

“Nếu tăng là cần thiết thì phải có căn cứ. Cái gì không phù hợp thì phải điều chỉnh” – bà Lê Thị Nga nêu quan điểm.

Gian lận thi cử là hiện tượng hay có gì sau lưng?

Nêu nhiều vấn đề xã hội cần được báo cáo rõ hơn, ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại cho rằng buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma tuý đến mức độ bức xúc, chưa bao giờ như vừa qua bắt vụ vận huyển lên đến cả tấn.

“Tình trạng sử dụng chất kích thích, rượu, bia khi lái xe thì đã rõ, nhiều vụ gần đây phẫn nộ. Nghĩ thấy cái chết oan ức của người lương thiện trong các vụ tai nạn” – ông Nguyễn Văn Giàu bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh nhiều vấn đề nóng khác cần được đề cập rõ hơn như bạo lực học đường, xâm hại trẻ em.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu.

“Những vấn đề này tôi nghĩ là trọng tâm nhưng nghe báo cáo thấy đều đều. Nếu được đề nghị Quốc hội tới đây ra nghị quyết nhấn mạnh các chỉ tiêu, chế tài để giảm những vấn đề gây bức xúc này” – Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại nêu ý kiến và đề nghị quy rõ trách nhiệm với từng cấp, từng cá nhân và tăng cường thanh kiểm tra thường xuyên, đột xuất trong những lĩnh vực này.

Bày tỏ đồng tình với những đánh giá về mảng sáng về KT-XH trong các báo cáo, song ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ cho rằng có những vấn đề xã hội cần được nhìn nhận, đánh giá kỹ hơn.

“Chúng ta cần nhìn lại những “điểm nóng”. Hiện nay xử lý ở địa phương thế nào, cần đánh giá đúng sai phạm, là hiện tượng hay có gì sau lưng? Gian lận thi cử không đơn giản chỉ là sai phạm của một số cán bộ ở vài địa phương khi hàng trăm em được nâng điểm nên cần nghiêm túc nhìn nhận, ngăn chặn ngay” – ông Phan Thanh Bình nói.

Bên cạnh đánh giá cao sự chủ động tích cực của Chính phủ, thành viên Chính phủ, các địa phương trong chỉ đạo điều hành, kết quả đạt được khá toàn diện các mặt, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị báo cáo nhấn mạnh sâu hơn về mảng xã hội và đặc biệt cần đưa ra giải pháp.

“Chưa bao giờ có nhiều vụ ma tuý lớn được phát hiện như hiện nay, và mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Có vụ cả tấn ma tuý và không biết hiện còn bao nhiêu vụ chưa phát hiện được. Đây là vấn đề lớn, Chính phủ cần kiến nghị giải pháp” – bà Lê Thị Nga nêu quan điểm.

Nữ đại biểu cũng dẫn chứng nhiều vụ án giết người thời gian gần đây đặc biệt nghiêm trọng, giết người thân, giết nhiều người, nhiều trường hợp “ngáo đá” gây án gây rúng động. Rồi bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em. “Vậy trước thực trạng này thì ta phải làm gì?” – bà Lê Thị Nga đặt câu hỏi và đề nghị Chính phủ cần đề xuất giải pháp./.