Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tin tưởng rằng, Đại lễ Vesak 2019 sẽ là cơ hội, nhịp cầu đoàn kết, hòa bình, phát triển của nhân loại, giúp cho tất cả mọi người hiểu được các giá trị cao cả của Phật giáo, hành động hướng tới một xã hội nhân loại công bằng, dân chủ và cùng phát triển bền vững.
Tiếp tục chương trình Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019, ngày 12/5, các đại biểu đã nghe thông điệp của lãnh đạo Phật giáo thế giới; phát biểu của Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ… Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu là diễn giả thuyết trình chính về chủ đề của Đại lễ: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.
Phát biểu tại Đại lễ, Tổng thống Myanmar Win Myint tin tưởng lễ kỷ niệm Vesak hàng năm đóng góp cho những nỗ lực chung thúc đẩy văn hóa hòa bình, đặc biệt là những lời dạy của Đức Phật về lòng từ bi và sống trong hòa bình, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc thuộc các nền văn hóa, tín ngưỡng khác nhau trong sự đa dạng của thế giới.
Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli gửi đến Đại lễ thông điệp: Chúng ta đang sống trong một thế giới thịnh vượng hơn bao giờ hết nhưng vẫn có 1/5 dân số thế giới sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, trong khi trên thế giới, chi tiêu quân sự ngày càng gia tăng. Vì vậy, mong muốn hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Giữa những biến động như vậy, chính những giá trị cốt lõi ở châu Á về tình bằng hữu trên toàn thế giới, vì sự cộng sinh hòa bình và tinh thần chia sẻ đã trở thành điều vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta làm theo 5 điều cấm kỵ trong Phật giáo sẽ giúp tạo ra định hướng quan trọng để có sự hiểu biết lẫn nhau và có được sự hòa hợp cho xã hội.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký Ủy ban Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc Armida Salsiah Alisjahbana nhấn mạnh thông điệp về lòng khoan dung, công bằng xã hội trong một thế giới đang ngày một kết nối hơn. Theo bà Armida Salsiah Alisjahbana, thế giới hiện nay đang ngày một thiếu đi sự khoan dung và chúng ta không thể làm ngơ trước điều đó. “Giáo lý Phật giáo khuyến khích chúng ta phải hành động, phát huy tinh thần đoàn kết, sự khoan dung của mình”, bà nói và cho rằng sự bất bình đẳng đang ngày càng gia tăng, người nghèo đang ngày càng thiệt thòi hơn, dễ tổn thương trước những khủng hoảng hơn. Vấn đề làm thế nào để mỗi người sống có sự chia sẻ trách nhiệm, thực hiện thông điệp và những lời dạy của Đức Phật từ bi, chúng ta sẽ có được những định hướng giá trị, vượt qua khó khăn trong quá trình phát triển.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng nhận định, thúc đẩy những giá trị của phát triển bao trùm, của mô hình bền vững, Việt Nam đã nhận được nhiều lợi ích từ những chính sách của mình. Những chính sách đó giúp cho đất nước phát triển hơn. Chúc mừng những thành công trên, bà Armida Salsiah Alisjahbana mong muốn Việt Nam tiếp tục nỗ lực phát triển đất nước, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững; khẳng định Liên hợp quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác để kết nối khu vực.
Phát biểu tại Đại lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu quan điểm, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn về khủng bố, bạo lực, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và đói nghèo..., việc thực hiện và phát huy những tư tưởng sâu sắc của Đức Phật sẽ góp phần nhân lên những giá trị tốt đẹp của nhân loại, vì một thế giới hòa bình, hợp tác và tiến bộ.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo trong xây dựng đất nước và bảo vệ hòa bình. Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc tin tưởng rằng, Đại lễ Vesak 2019 sẽ là cơ hội, nhịp cầu đoàn kết, hòa bình, phát triển của nhân loại, giúp cho tất cả mọi người hiểu được các giá trị cao cả của Phật giáo, hành động hướng tới một xã hội nhân loại công bằng, dân chủ và cùng phát triển bền vững.
Nhìn nhận Đại lễ Vesak là lễ hội văn hóa tôn giáo, nhằm tôn vinh, biểu dương và phát huy những giá trị đạo đức, tinh thần hòa hợp tốt đẹp của Đức Phật, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng cho rằng, Đại lễ Vesak 2019 được tổ chức tại Việt Nam tiếp tục kết nối tinh thần Phật giáo, kết nối những người con Phật trên khắp năm châu, bằng thông điệp về tình yêu thương, sự sẻ chia và tuệ giác sáng suốt, hãy cùng nhất tâm hành động để xoa dịu những khổ đau của nhân sinh, làm vơi đi những bất ổn của xã hội, mang lại hạnh phúc, hòa bình, an lạc cho tất cả mọi người trên thế giới.
“Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai, chủ trì, với sự giúp đỡ của nhân dân và Nhà nước Việt Nam, được tổ chức trang nghiêm, trọng thể là minh chứng sinh động về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, khẳng định Việt Nam luôn là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Liên hợp quốc, đồng thời cho thấy năng lực và vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng lớn mạnh trong lòng dân tộc và bạn bè Phật giáo quốc tế”, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định.
Theo ông Vũ Chiến Thắng, Phật giáo là một tôn giáo có mặt sớm trên đất nước Việt Nam từ gần 2.000 năm về trước. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Phật giáo luôn vì cuộc sống hạnh phúc, an lạc của mọi người dân Việt, với tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian pháp”. Tinh thần ấy đã bén rễ, ăn sâu và hòa quyện với văn hóa Việt Nam, thể hiện sự gắn bó giữa đạo với đời, giữa Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam.
Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cũng cho hay, nối tiếp dòng chảy và truyền thống, Phật giáo Việt Nam hôm nay luôn khẳng định vị trí, vai trò đồng hành cùng dân tộc, hoạt động lợi đạo, ích đời, thực hiện cứu khổ độ sinh, hoằng dương Phật pháp, vận động tăng ni, Phật tử trong cả nước sống trong chánh tín, thực hiện đúng pháp luật của Nhà nước, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, góp phần cùng các tầng lớp nhân dân khác xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
“Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình vì sự thành công của Đại lễ, thể hiện rõ tình cảm, trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam trước những hoạt động tôn giáo có giá trị thiết thực và đánh giá cao về những giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo mang lại cho cuộc sống. Chúng tôi mong rằng, mỗi chúng ta chính là một sứ giả của hòa bình, hợp tác và phát triển, thông qua các hoạt động của Đại lễ để góp phần tích cực vào việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Thuyết trình về chủ đề của Đại lễ, Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu đi sâu phân tích giáo lý của Phật giáo, hướng con người tới hòa bình, tránh xa xung đột, cùng nhau hành động đi đến một xã hội tốt đẹp hơn, thế giới bền vững hơn./.