Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ngày 30-5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2019; quyết toán NSNN năm 2017.
Tại phiên thảo luận, đồng chí Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã phát biểu về một số vấn đề:
Về thu NSNN: Năm 2018, tuy là chúng ta thu vượt theo kế hoạch khoảng 8%, song kết quả thực hiện thu NSNN năm 2018 còn thiếu tính bền vững, việc tăng thu phụ thuộc vào các nguồn thu ngắn hạn (thu từ đất, từ dầu thô), số thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh đều giảm, cho thấy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vẫn gặp nhiều khó khăn, nội lực của nền kinh tế ở ba khu vực kinh tế quan trọng là DN Nhà nước, DN FDI và tư nhân đều không đạt dự toán. Đây là thách thức cho việc duy trì ổn định nguồn thu. Bên cạnh đó, qua báo cáo còn cho thấy, việc ước thực hiện tại thời điểm báo cáo Quốc hội (tháng 10-2018) là chưa sát, đồng thời cũng chưa dự báo đầy đủ các biến động KT-XH với các yếu tố tác động đến thu NSNN những tháng cuối năm, điều này được thể hiện là: Chỉ trong quý IV số thu ngân sách đã vượt 66.514 tỷ đồng bằng 63% số vượt thu thu NSNN của cả năm. Do vậy, đề nghị Chính phủ phân tích, chỉ rõ nguyên nhân giải pháp, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, đặc biệt là trong khu vực sản xuất và duy trì được thu ngân sách ổn định năm 2019 và các năm tiếp theo.
Về chi ngân sách: Tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 70,98%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 48,1%, vốn nước ngoài đạt 53,6%, dẫn đến nguồn vốn đầu tư công tồn dư lớn, hiệu quả sử dụng vốn thấp, rất lãng phí nguồn lực. Trong khi chúng ta đang rất cần nguồn vốn đầu tư để thực hiện các dự án nhưng khi vốn vay về lại không được đưa vào sử dụng, đi ngược với quy luật sử dụng đồng tiền, làm giảm năng suất lao động, tạo áp lực cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các năm sau.
Qua báo cáo quyết toán ngân sách năm 2017, đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm tốt công tác lập và giao dự toán, đặc biệt là dự toán chi thường xuyên của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, bởi vì trong khi 100% các địa phương đều có số chi được quyết toán đạt vượt dự toán thì chi thường xuyên tại các cơ quan Trung ương có 11/50 đơn vị (chiếm 22% trên tổng số các cơ quan) chi được quyết toán thấp hơn dự toán.
Mặc dù Chính phủ đã chủ động chỉ đạo xây dựng hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho phát triển KT-XH, tháo gỡ những khoảng trống về pháp luật tuy nhiên việc chậm ban hành các văn bản liên quan đến các luật đã được Quốc hội thông qua đã dẫn tới khó khăn cho việc triển khai dự án; thu hút đầu tư, huy động nguồn lực xã hội. Chỉ đơn cử như việc thực hiện triển khai Luật Quy hoạch có hiệu lực 1/1/2019, Luật Quản lý tài sản công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đến nay đã gây khó khăn cho các dự án đang và đã triển khai. Việc huy động nguồn lực trong đầu tư phát triển KT-XH để đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ KT-XH ở địa phương theo hình thức BT không thể triển khai được, như việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư đến nay vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện mà địa phương vẫn dừng triển khai các dự án đã được ký kết và tiếp tục trông chờ vào Nghị định của Chính phủ. Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát những nội dung pháp luật chồng chéo, chưa thống nhất và sớm ban hành văn bản hướng dẫn dưới luật để tạo hành lang pháp lý để triển khai các dự án, huy động nguồn lực xã hội cho phát triển KT-XH... với phương châm "Chính phủ kiến tạo, liêm chính, vì dân và doanh nghiệp"
Về việc chi chuyển nguồn, khi xây dựng Luật NSNN năm 2015 (có hiệu lực từ năm ngân sách 2017) mục tiêu của Luật là khắc phục những hạn chế trong việc quản lý ngân sách, trong đó có việc chuyển nguồn ngân sách. Tuy nhiên, sau hai năm (2017, 2018) thực hiện, Luật NSNN cho thấy chưa khắc phục được hạn chế này, việc chi chuyển nguồn vẫn ở mức cao, thậm chí năm 2017 việc chuyển nguồn cao hơn năm 2015 và 2016 (năm 2017 là 19,4%, năm 2016 là 19,2% và năm 2015 là 15,7%). Đề nghị Chính phủ chỉ rõ nguyên nhân việc chi chuyển nguồn không giảm so với trước khi thực hiện Luật NSNN năm 2015 và những giải pháp khắc phục trong thời gian tới của Chính phủ.
Về công tác quản lý các nguồn thu, chống thất thu: Tình trạng trốn thuế, nợ thuế, quyết toán sai vẫn chưa được khắc phục, đây là vấn đề không hề mới, nhưng vẫn đang trở nên nhức nhối, làm thất thu cho NSNN và tồn tại qua nhiều năm (năm 2013, kiểm toán kiến nghị nộp ngân sách 3.850 tỷ đồng, năm 2014 là 4.479 tỷ đồng, năm 2015 là 8.287 tỷ đồng, năm 2016 là 11.252 tỷ đồng và năm 2017 là 19.109 tỷ đồng). Bên cạnh đó, theo báo cáo kiểm toán NSNN năm 2017 còn có nhiều dự án đầu tư chưa làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư nên có nhiều dự án phải điều chỉnh nhiều lần, cá biệt có dự án điều chỉnh tăng gấp 39 lần; công tác thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành chậm (chiếm 23,4% dự án hoàn thành). Những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhất là những vi phạm trong quản lý tài chính, ngân sách đã được Quốc hội chỉ ra trong nhiều năm và đã có Nghị quyết số 58/2018/QH14 ngày 12/6/2018 giao cho Chính phủ kiểm điểm, kịp thời xử lý những tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quản lý NSNN, nhưng tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2017 thấp hơn so với năm 2015 và năm 2016 (năm 2017 đạt 73,2%, năm 2015 đạt 75,6% và năm 2016 đạt 78,2%). Đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội những khó khăn khi xử lý những sai phạm trong quản lý ngân sách; nguyên nhân nào là do lỗi cơ chế chính sách, nguyên nhân nào là do lỗi chủ quan trong quá trình tổ chức thực hiện.
Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN): Năm 2018, cả nước có khoảng 715.000 DN hoạt động, cả năm có 131.275 DN thành lập mới. Tuy nhiên, trong năm 2018 có tới 90.651 DN tạm ngừng hoạt động, 4 tháng đầu năm 2019 có 43.305 DN đăng ký thành lập mới, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, song có tới 16.984 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 5.305 DN, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước mặc dù Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 02/NQ-CP, năm 2019 tiếp tục thực hiện giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên các xếp hạng quốc tế; thúc đẩy tăng nhanh số lượng DN mới thành lập, giảm tỷ lệ DN ngừng hoạt động, giải thể. Nhưng qua báo cáo thì chúng ta không đạt được như mong muốn. Như vậy khó có thể đạt được mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020. Đề nghị Chính phủ xem xét đánh giá toàn diện tình hình hoạt động của các DN, cần phải xác định được đúng các nội dung DN cần, nhiệm vụ mà các cơ quan Nhà nước phải làm để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN trong từng lĩnh vực cụ thể như: Cải cách hành chính tạo môi trường thuận lợi cho DN, hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình DN, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh phát triển thị trường… Có như vậy mới thực hiện được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ là đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN hoạt động…