Nỗ lực ngăn chặn tác hại của rượu, bia

08:35, 24/05/2019

Buổi sáng, Quốc hội (QH) nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này. Buổi chiều, QH nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) và Luật Thư viện; thảo luận tại tổ về hai dự án luật nêu trên.

Bảo vệ sức khỏe nhân dân

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành, tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, các chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm lượng tiêu thụ rượu, bia.

Một vấn đề được quan tâm là dự thảo luật không còn quy định cấm bán rượu trên 15 độ cồn trên mạng in-tơ-nét. Theo ý kiến của một số đại biểu, quy định cấm bán rượu trên 15 độ cồn trên in-tơ-nét là hành động bảo vệ trẻ em, thiếu niên trên không gian mạng, vì vậy Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định cấm bán cả rượu, bia trên in-tơ-nét. Tuy nhiên, về nội dung này, có đại biểu cho rằng: Quy định về điều kiện bán rượu, bia trên 15 độ cồn trên in-tơ-nét đã đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử; có biện pháp kiểm soát tuổi của người mua và áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt là phù hợp thông lệ quốc tế và thực tế kinh doanh hiện nay.

Đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) và một số đại biểu khác nêu vấn đề: Dự án luật đưa ra quy định về biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia… là chưa thật sự phù hợp với cam kết của Việt Nam trong WTO. Trong đó, Việt Nam cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định của WTO khi ban hành, áp dụng các luật, quy định và các biện pháp khác liên quan đến thuế nội địa (trừ các quy định liên quan rượu và bia), nhất là nguyên tắc không phân biệt đối xử, kể từ thời điểm gia nhập WTO. Riêng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu và bia, Việt Nam cam kết trong vòng ba năm kể từ thời điểm gia nhập WTO sẽ áp dụng thống nhất một mức thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu từ 20 độ cồn trở lên và một mức thuế phần trăm thuế tiêu thụ đặc biệt với bia các loại.

Cuối phiên làm việc buổi sáng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu QH quan tâm, đồng thời cho biết: Trong quá trình soạn thảo luật, bên cạnh việc bảo vệ sức khỏe nhân dân, Ban soạn thảo còn phải chú ý những nội dung, quy định nhằm bảo đảm sự phát triển của ngành công nghiệp rượu, bia và sản xuất rượu thủ công, cũng như thu nhập của người lao động để có lộ trình thích ứng, có giải pháp xử lý, bảo đảm tính đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật…

Tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán

Buổi chiều, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này.

Tiếp đó, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thư viện. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này.

Thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) và nhiều đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành luật như phân tích trong Tờ trình của KTNN nêu. Tuy nhiên, cần nghiên cứu xác định rõ hơn nữa địa vị pháp lý của KTNN trong cơ chế phân công quyền lực nhà nước, bởi đây là cơ quan hoạt động độc lập phù hợp Hiến pháp và chỉ tuân thủ pháp luật.

Chung quanh vấn đề quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị liên quan hoạt động kiểm toán, một số đại biểu cho rằng, dự thảo luật bổ sung quy định các đối tượng này có quyền khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán. Thế nhưng, vì đây là quy định mới, cho nên để bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại, dự thảo luật cần có điều khoản cụ thể bổ sung, thay thế các điều khoản liên quan trong Luật Khiếu nại, nhất là giúp các đối tượng nêu trên thực hiện được quyền khiếu kiện ra Tòa án, vì hiện nay báo cáo kiểm toán của KTNN không phải là quyết định hành chính. Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) và nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật bổ sung một số nhiệm vụ để KTNN thực hiện phòng, chống tham nhũng. Đây là nội dung cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của KTNN trong việc phòng, chống tham nhũng (PCTN). Tuy nhiên, Luật PCTN và Luật KTNN hiện hành đã quy định nhiều điều khoản để KTNN thực hiện nhiệm vụ PCTN, cho nên cần rà soát các nội dung đã bổ sung để tránh phải dẫn chiếu lại các quy định trong Luật PCTN, dẫn đến trùng lặp.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng là hoàn thiện các văn bản pháp luật để khắc phục chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và sắp xếp, kiện toàn bộ máy của KTNN. Phần lớn ý kiến cho rằng, cơ quan thanh tra và KTNN có vị trí, chức năng, nhiệm vụ khác nhau được quy định tại hai luật khác nhau, nhưng nếu không phân định rõ thì khi thực hiện nhiệm vụ sẽ trùng lặp, chồng chéo về đối tượng, đơn vị được thanh tra, kiểm toán. Vì vậy, khi sửa luật cần hướng vào hoàn thiện các quy định về công tác phối hợp, lập kế hoạch, nguyên tắc xử lý khi xảy ra chồng chéo nhiệm vụ hay kế thừa, công nhận kết quả lẫn nhau giữa KTNN và thanh tra các cấp.

Chiều cùng ngày, QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Thư viện. Đại biểu Trần Văn Túy (Bắc Ninh) và nhiều đại biểu nhấn mạnh việc cụ thể hóa hơn nữa các chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện, nhất là đầu tư tập trung cho một số thư viện trung tâm có vai trò quan trọng, ưu tiên đầu tư phát triển tài nguyên số, hoạt động liên thông giữa các thư viện; phát triển hệ thống thư viện công cộng phù hợp với đặc thù các địa bàn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa; khuyến khích xã hội hóa để huy động các nguồn lực tham gia xây dựng, phát triển thư viện.

Cho ý kiến về quyền và nghĩa vụ của thư viện, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) và một số đại biểu đề nghị không quy định “cứng” về nghĩa vụ của thư viện phải thực hiện các hoạt động theo quy định, vì mỗi loại hình thư viện khác nhau sẽ lựa chọn những hoạt động phù hợp quy mô, tính chất, đặc thù của mình. Bên cạnh đó, nghiên cứu, bổ sung các quy định đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng thư viện, lấy người sử dụng thư viện là trung tâm, cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân thông qua các hình thức phục vụ của thư viện.

Về phương thức, địa điểm bán và xử lý vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh rượu đã quy định rõ ràng tại Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện không nghiêm, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng chưa được triển khai có hiệu quả. Do đó, người dân có thể mua rượu và bia ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào. Vì vậy, nội dung dự thảo luật cần có quy định cụ thể hơn trách nhiệm của cơ quan và địa phương trên địa bàn của mình trong việc quản lý bán rượu, bia theo quy định.

Đại biểu PHẠM VĂN TUÂN (Thái Bình)

Trong việc phòng, chống tác hại của rượu, bia, theo tôi, chính sách của Nhà nước cần ưu tiên, tập trung công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đúng, nhận thức rõ tác hại của việc lạm dụng rượu, bia. Bởi thực chất, uống rượu, bia là quyền của mỗi người. Cần tuyên truyền rộng rãi để mỗi người hiểu rõ việc uống nhiều rượu, bia vừa mất tiền, vừa mất thời gian lại ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe. Vì vậy, dự án luật cần đưa công tác tuyên truyền lên hàng đầu.

Đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái)