Thiệt hại do mưa lớn tại một số tỉnh miền núi tiếp tục tăng

16:01, 29/05/2019

Theo báo cáo nhanh ngày 29/5 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lớn tiếp tục gây nhiều thiệt hại về người, tài sản và sản xuất tại Hà Giang và Cao Bằng.

Cụ thể, theo báo cáo nhanh số 39/BC-VPTT ngày 28/5/2019 của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, do mưa lớn trên địa bàn huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Mê, Quang Bình, Mèo Vạc vào sáng 27/5, đã làm 04 người bị thương, hư hại 34 nhà; thiệt hại 27 ha lúa, hoa màu; 22 con gia súc và 120 con gia cầm bị chết; 8.760m3 đất đá đường giao thông bị sạt lở. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 2,3 tỷ đồng.

Tại tỉnh Cao Bằng, theo báo cáo nhanh số 21 và 22/BC-PCTT ngày 28/5/2019 của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, do mưa lớn trên địa bàn huyện Nguyên Bình, Trùng Khánh, Bảo Lâm diễn ra từ 4 giờ đến 11 giờ ngày 27/5, đã làm 01 người chết; ngập nước 14 nhà và 155 ha lúa, hoa màu; 20 con gia cầm bị cuốn trôi; một số tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã bị sạt lở. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 65 triệu đồng.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra tại Hà Giang và Cao Bằng, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi người bị nạn, huy động các lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại.

Cũng theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, ngày 29/5, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa, mưa to; riêng vùng núi có mưa to đến rất to và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Cảnh báo: Trọng điểm của đợt mưa lớn này có khả năng xảy ra ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu,  Sơn La, sau đó mưa to có khả năng mở rộng xuống khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ và khu vực Bắc Trung Bộ.

Ngày 29/5, trên các sông suối ở vùng núi Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên các sông từ 2-4m; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.

Để ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tiếp tục đôn đốc Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc công văn số 62/TWPCTT ngày 27/5/2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chủ động ứng phó với mưa lũ. Chỉ đạo các đài truyền hình, hệ thống đài truyền thanh và các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn kĩ năng ứng phó tới chính quyền các cấp cơ sở, cộng đồng, người dân trên cơ cở các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền do Ban Chỉ đạo gửi.

Văn phòng Bộ Công an có công điện số 02/CĐ-V01 ngày 28/5/2019 đôn đốc Ban chỉ huy ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thực hiện nghiêm túc công tác ứng phó với đợt mưa lớn diện rộng.

Đài Truyền hình Việt Nam đã đưa tin cảnh báo mưa dông diện rộng và cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến thiên tai thực hiện nghiêm túc nội dung công văn số 62/TWPCTT của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Diễn biến mưa, lũ, dông lốc, sét còn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Quảng Ninh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt là mưa có khả năng xảy ra lũ và lũ quét, sạt lở đất, thực hiện nghiêm túc công văn số 62/TWPCTT ngày 27/5/2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; thường xuyên báo cáo cập nhật tình hình diễn biến thiên tai về Văn phòng thường trực./.