Hiện khu vực phía Nam đã có ba địa phương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi là Đồng Nai, Bình Phước và Hậu Giang, cho thấy sức lây lan và mức độ nguy hiểm của loại dịch bệnh này trên đàn lợn là rất lớn.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, ngày 14/5, trên địa bàn tỉnh này vừa phát hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi. Ổ dịch được phát hiện tại một hộ nuôi trên địa bàn xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành. Chi cục Thú y Vùng VII (Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đến địa phương nói trên của tỉnh Hậu Giang hướng dẫn các biện pháp xử lý theo quy định.
Trước đó, vào các ngày 11/4 và 5/5, Hậu Giang cũng đã phát hiện hai ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A và xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy. Tỉnh đã tiêu hủy hàng chục con lợn bị dịch bệnh và bị chết do dịch bệnh.
Hậu Giang là địa phương đầu tiên ở miền Tây Nam bộ xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, toàn tỉnh này có trên 15.000 hộ chăn nuôi lợn, chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, với tổng đàn khoảng 160.000 con. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, với tính chất phức tạp của dịch bệnh trên đàn lợn, tỉnh Hậu Giang đã và đang tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các văn bản chỉ đạo để người chăn nuôi, chủ các trang trại, các lò giết mổ biết về nguyên nhân, tác hại và cách phòng tránh để xử lý khi phát sinh dịch bệnh.
Đồng thời, chỉ đạo ngành nông nghiệp của tỉnh này kiểm soát chặt các nguồn chăn nuôi, chủ trang trại, hộ nuôi nhỏ lẻ, các lò giết mổ tập trung nắm rõ nguồn gốc. Ngành nông nghiệp phối hợp với ngành giao thông kiểm soát các nguồn đầu vào; tập trung hướng dẫn người chăn nuôi, các trang trại, lò giết mổ thực hiện đúng quy trình. Khẩn trương tiêu độc khử trùng, khoanh vùng thực hiện đúng quy định những khu vực xuất hiện dịch bệnh. Sẵn sàng xuất nguồn dự phòng ngân sách của tỉnh để đảm bảo hóa chất, vật tư, nhu cầu cần thiết cho ngành chuyên môn xử lý kịp thời cũng như hỗ trợ theo quy định của Trung ương.
Tại khu vực Đông Nam bộ, sau khi dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai, thì tại huyện Đồng Phú của tỉnh Bình Phước cũng đã xuất hiện ba ổ dịch ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các ngành chức năng huyện Đồng Phú đã cho tiêu hủy lợn nhiễm bệnh và công bố dịch.
Theo công bố, dịch được phát hiện ở thị trấn Tân Phú và xã Tân Lập. Trong thời gian có dịch, địa phương yêu cầu tạm dừng các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn bị nhiễm bệnh ra vào vùng dịch. Trước đó, ngày 8/5, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở Bình Phước được phát hiện trong đàn 7 con ở khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú. Hiện, Cục Thú y vùng 6 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cùng Uỷ ban nhân dân huyện Đồng Phú đang phối hợp để giám sát, theo dõi diễn biến, đồng thời tiêu độc khử trùng, khống chế, dập dịch.
Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 11.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hơn 250 trại chăn nuôi tập trung, với tổng đàn gần 740.000 con. Riêng huyện Đồng Phú có trên 71.000 con, phần lớn nuôi tập trung ở các trang trại.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tả lợn châu Phi tại các địa phương khu vực phía Nam, các tỉnh, thành phố trong khu vực này đang khẩn trương tập trung cho công tác dập dịch và phòng chống dịch. Tại Tiền Giang, một trong những địa phương có số lượng đàn lợn nhiều nhất khu vực Tây Nam bộ cũng đang tập trung ứng phó. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang vừa ban hành công văn triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh này.
Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các địa phương khẩn trương triển khai khẩn cấp một số việc như chuẩn bị hóa chất tiêu độc sát trùng và phối hợp với các cấp chính quyền thực hiện “Tháng tiêu độc khử trùng” trên địa bàn tỉnh, nhằm phòng tránh bệnh dịch xâm nhập; tuyên truyền cảnh báo nguy cơ phát sinh dịch bệnh và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống bệnh dịch trên đàn vật nuôi; chủ động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn nhằm kiểm soát bệnh dịch và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; thành lập các chốt kiểm soát gia súc ra vào tỉnh trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ giáp ranh với các tỉnh trong khu vực.
Bên cạnh đó, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp chủ nuôi giấu dịch bệnh, bán chạy hoặc giữ lại gia súc mắc bệnh để tự điều trị làm lây lan dịch bệnh… Tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm Quản lý thị trường, Công an Kinh tế, Cảnh sát môi trường… kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, đặc biệt là giết mổ, kinh doanh và vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm soát của cơ quan thú y.
Tỉnh Kiên Giang cũng đã thành lập 5 tổ kiểm dịch lưu động; thành lập 2 tổ ứng phó nhanh nhằm đôn đốc, giám sát, chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh trên các địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, bố trí lực lượng trực xuyên suốt tại các trạm kiểm dịch, cửa khẩu; tăng cường phun thuốc khử trùng, khử độc các xe vận chuyển heo… Đối với các địa phương có nhiều đảo như huyện đảo Phú Quốc chủ yếu nhập thịt lợn từ đất liền nên việc kiểm dịch được chú ý tăng cường.
Còn theo Chi cục Thú y tỉnh An Giang, số lượng đàn lợn của tỉnh này là khoảng 120.000 con và mỗi ngày phải nhập hàng trăm con từ tỉnh khác về tiêu thụ. Nhằm phòng chống dịch tả lợn châu Phi tốt nhất, ngành chức năng ở An Giang đã thành lập ban chỉ đạo từ cấp tỉnh đến các huyện, xã. Ở các trạm kiểm dịch, cửa ngõ giao thông, cửa khẩu… đều có lực lượng thú y trực xuyên suốt nhằm kiểm tra việc vận chuyển, tiêu thụ, phun thuốc khử trùng, khử độc; đẩy mạnh tuyên truyền đến hộ chăn nuôi ý thức và thực hiện các nguyên tắc phòng chống. Cùng với đó, tỉnh An Giang dự kiến kịch bản xử lý tình huống nếu trường hợp có dịch xảy ra, như khoanh vùng ổ dịch, bố trí nơi tiêu hủy, hỗ trợ người nuôi bị thiệt hại…/.