Cần hiểu đúng việc xem xét chế tài xử phạt người lái xe có sử dụng rượu, bia

08:34, 05/06/2019

Tại phiên chất vấn sáng và đầu giờ chiều 4-6, phản hồi một số ý kiến đại biểu về vấn đề chế tài xử phạt đối với người lái xe sử dụng rượu, bia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định là chúng ta thực hiện theo pháp luật hiện hành, và các bộ luật hiện hành đều có chế tài xử lý rất đầy đủ đối với hành vi này.

Ngày 3-6, Quốc hội tiến hành xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề chế tài xử phạt đối với người lái xe mà sử dụng rượu, bia trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Về vấn đề này Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông, mà hiện nay luật hiện hành đã có quy định cụ thể”.

Tuy nhiên, qua bức xúc trước tình trạng người đã sử dụng rượu, bia lái xe gây tai nạn giao thông thì cơ quan soạn thảo của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như trong thảo luận có nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng chế tài lên, không cần đo độ cồn, cứ uống rượu, bia là không được lái xe, lái xe là vi phạm.

Phương án thứ hai là giữ nguyên như hiện nay, phải có nồng độ cồn vượt quá ngưỡng gây không an toàn giao thông thì đại biểu Quốc hội cho ý kiến ngang ngửa, chưa có phương án nào đạt 50%.

“Như thế để không hiểu lầm Quốc hội không có quy định nào, pháp luật không có quy định nào để xử lý vấn đề này. Có tăng thêm hơn hay giữ nguyên như hiện nay (trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia) thì đại biểu Quốc hội chưa biểu quyết thông qua. Chúng ta thực hiện theo pháp lệnh hiện hành nếu không sửa luật”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội chọn những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật để tham khảo xin ý kiến theo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc xin ý kiến chiều qua là để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật chứ không phải biểu quyết thông qua luật. "Nhưng rất tiếc qua phân tích báo chí gây hiểu lầm trong nhân dân là Quốc hội chưa muốn xử lý với người sử dụng phương tiện giao thông có rượu, bia", Chủ tịch Quốc hội nói.

Điều này, theo quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực giao thông đã có nhiều quy định nghiêm cấm hành vi uống rượu, bia và sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông: Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Bộ luật Hình sự, Luật Hành chính… đều có những quy định đầy đủ. Điều đó khẳng định rằng không phải không quy định vấn đề này trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì không có chế tài xử lý.

Nhưng khi xây dựng luật này, ban soạn thảo muốn thu hút những nội dung đã quy định về việc sử dụng rượu, bia vào luật này và trong quá trình đó có nhiều ý kiến khác nhau nên mới xin ý kiến. Xin ý kiến để có cơ sở tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần nắm rõ điều này để giải thích cho người dân, cho báo chí để tránh gây hiểu lầm trong nhân dân là Quốc hội chưa muốn có chế tài xử lý hành vi uống rượu, bia lái xe gây tai nạn.

Tham gia giải trình về vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, cả xã hội đều đã thấy sự nguy hiểm của việc uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông, gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây ra những hậu quả đau lòng, những gánh nặng cho xã hội, cho gia đình, người thân và cho chính bản thân mình.

“Vì vậy, chúng ta thấy rằng là đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện tham gia giao thông”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, về mặt pháp luật thì chúng ta có nhiều chế tài để điều chỉnh hành vi này, như: Luật Giao thông đường bộ và các bộ luật liên quan, Chính phủ có Nghị định 46 của Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, tới đây Chính phủ sẽ sửa Nghị định 46 theo hướng tăng mức phạt tối đa đối với những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Đồng thời xem xét, củng cố hệ thống chế tài xử lý nghiêm minh đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh xe, cơ sở đào tạo lái xe, cơ sở kiểm định,… và các cán bộ thừa hành.