Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn năm 2018; triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới diễn ra tại Thủ đô Hà Nội sáng 20-6. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Tham dự về phía tỉnh ta có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Năm 2018, thiên tai mang nhiều yếu tố cực đoan diễn ra trên khắp các vùng miền cả nước, làm 224 người chết và mất tích (giảm 30% so với năm 2017), hơn 1.900 ngôi nhà bị đổ, trôi; trên 31.300 nhà bị ngập, hư hỏng và phải di dời khẩn cấp. Thiên tai cũng khiến trên 260 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; hơn 43.000ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ, gãy; 29.400 con gia súc và trên 774.000 con gia cầm bị chết; 11.900 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Tổng thiệt hại về kinh tế ước gần 20.000 tỷ đồng, (giảm 67% so với năm 2017). Từ đầu năm đến nay, thiên tai làm 23 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính trên 337 tỷ đồng.
Còn tại tỉnh ta, năm 2018, do ảnh hưởng của thiên tai, đã có 3 người chết, 5 người bị thương. Ước tính tổng thiệt hại về tài sản trên 20,7 tỷ đồng. Còn từ đầu năm đến nay, thiên tai cũng đã gây ra thiệt hại về tài sản khoảng gần 60 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận về các nội dung như: Kinh nghiệm trong ứng phó với mưa lũ nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại; công tác tìm kiếm cứu nạn, ứng phó lũ, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc; công tác ứng phó với tình trạng sạt lở ven biển, ven sông ở các tỉnh miền Nam; giải pháp để nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam là 1 trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Vì vậy, nếu không chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai thì thiệt hại sẽ rất lớn. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ huy phòng chống PCTT các cấp. Đồng thời, rà soát, cập nhật phương án PCTT, tìm kiếm cứu nạn để tránh bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về PCTT cho cộng đồng; nâng cao chất lượng công tác dự báo thiên tai, đảm bảo kịp thời, chính xác hơn; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế trong PCTT…