Khuyến khích tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công

08:15, 12/06/2019

Trong tiến trình đổi mới nền kinh tế hơn 30 năm qua, việc khu vực tư nhân tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho xã hội đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực; góp phần phá bỏ sự độc quyền, bao cấp của Nhà nước. Vì vậy, việc chuyển giao một phần dịch vụ công do Nhà nước quản lý sang khu vực tư nhân sẽ giúp chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tạo ra sự cạnh tranh, mang đến nhiều lợi ích hơn cho người dân. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế kiểm soát để bảo đảm sự công bằng, tính minh bạch và chất lượng dịch vụ.  

Nhiều lợi ích

Thực tế cho thấy, ở đâu có sự tham gia của tư nhân gắn với minh bạch hóa thì ở đó chất lượng dịch vụ được nâng cao, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất là người dân. Quan điểm nhất quán của Ðảng, Nhà nước trong tiến trình đổi mới là chỉ làm những gì tư nhân không làm được hoặc không muốn làm. Nếu như trước đây, Nhà nước độc quyền nắm giữ một số lĩnh vực thương mại như bán lẻ, vận tải, điện ảnh, công chứng, thể thao,… thì ngày nay, hầu như đều đã được tư nhân hóa, tạo nên một mạng lưới hạ tầng với đầy đủ phương tiện, công nghệ theo đúng xu hướng thế giới. Ðiển hình như các siêu thị, chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại đã thay thế các cửa hàng mậu dịch; hàng nghìn doanh nghiệp (DN) ta-xi, xe khách, xe tải,… phục vụ hầu hết nhu cầu vận tải của xã hội thay vì chỉ có một DN vận tải quốc doanh như trước kia. Ngoài ra, tư nhân còn xuất hiện trong rất nhiều các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, kể cả những lĩnh vực vốn được xem là "sân chơi" riêng của các DN nhà nước hoặc các đơn vị sự nghiệp như: sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục,...

Một thí dụ điển hình nhất trong lĩnh vực hàng không, nhờ có sự tham gia của những "người chơi mới" như Bamboo Airways, Vietjet Air đã khiến cho DN hàng không nhà nước như Vietnam Airline buộc phải chuyển mình, đổi mới, cải tiến chất lượng dịch vụ để cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân. Hay như trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông, trước đây nguồn vốn đầu tư đều do Nhà nước cấp, nhưng nay, việc huy động tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao BOT đã góp phần cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng các công trình giao thông, giúp có thêm nhiều hơn các tuyến đường cao tốc như: Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Ðồn,... nhưng không làm ngân sách nhà nước bội chi. Rõ ràng, việc khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ công, không chỉ góp phần dành nguồn ngân sách để đầu tư phát triển kinh tế, mà còn tạo động lực cạnh tranh khiến tất cả các đơn vị khi muốn tham gia cung cấp dịch vụ đều phải nỗ lực để đưa ra được chất lượng tốt với giá thành phải chăng nhất, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc tư nhân hóa các dịch vụ công sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích, bởi sẽ thoái được "sức" Nhà nước khỏi những dịch vụ không cần thiết như: xúc tiến thương mại, đầu tư, cấp giấy chứng nhận… Từ đó, hoạt động này sẽ làm giảm chi tiêu, tinh gọn bộ máy, tập trung vào phục vụ chức năng cốt lõi của Nhà nước là xây dựng thể chế. Bởi, thể chế là yếu tố quyết định cạnh tranh quốc gia. Ngoài ra, việc tư nhân hóa dịch vụ công còn giúp tránh sự chồng chéo, tham nhũng, ngăn ngừa xung đột lợi ích. Ðồng thời, không chỉ thu hút được nguồn lực tài chính mà còn thu hút được trí tuệ, kinh nghiệm của khối DN tư nhân. Từ đó, giúp các DN mở rộng thị trường, mở rộng chức năng hoạt động, góp phần làm lớn mạnh khối DN tư nhân của Việt Nam.

Cần cơ chế hỗ trợ

Dù mang lại những kết quả tích cực nhưng việc khuyến khích tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, rủi ro lớn nhất với các DN là tính bất ổn định, thay đổi liên tục của cơ chế, chính sách, khiến trong một vài lĩnh vực, khối tư nhân đang "ngại" tham gia.

Chủ tịch HÐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ: "Trong những năm qua, nhìn lại việc xã hội hóa dịch vụ khoa học, công nghệ của chúng ta vẫn còn một số điểm hạn chế, gây cản trở lớn đến việc đầu tư của tư nhân trong lĩnh vực này. Cụ thể, khi các tổ chức thử nghiệm muốn cung cấp dịch vụ phải đăng ký từng loại phép thử với cơ quan quản lý nhà nước. Mỗi lần như vậy, phải nộp rất nhiều hồ sơ phê duyệt phương pháp, dù công đoạn này không giải quyết được vấn đề gì. Bởi các tổ chức thử nghiệm, khi muốn cung cấp dịch vụ, họ phải có chức năng và năng lực được công nhận bởi tổ chức chứng nhận độc lập và phải chịu giám sát bởi các tổ chức đó. Thế nhưng các cơ quan quản lý nhà nước không thừa nhận mà yêu cầu phải nộp hồ sơ phê duyệt phương pháp, dẫn đến mất tính chủ động của các phòng thử nghiệm, mất tính tự chủ, nhiều khi quay lại làm cản trở, khi muốn triển khai phép thử mới để thử nghiệm các vấn đề phát sinh."

Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI Ðậu Anh Tuấn, việc để tư nhân cung cấp một số dịch vụ công đã mang lại những kết quả thiết thực, nhưng vẫn còn nhiều dịch vụ công do cơ quan nhà nước thực hiện trong quy trình gần như khép kín, gắn với chức năng quản lý nhà nước như các hình thức cấp phép, thẩm định năng lực,... trong khi có thể giao lại cho tư nhân, hiệp hội DN làm. Ðiều này dẫn đến sự không minh bạch khi cơ quan nhà nước vừa làm chính sách, vừa thực thi, rồi kiểm tra luôn cả điều kiện tuân thủ. Như vậy, sẽ không phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường hiện đại. Cách làm này đẩy cơ quan nhà nước vào thế vừa làm luật, vừa giám sát và vừa là người chơi. Chính vì vậy, nên nghiên cứu kinh nghiệm từ nước ngoài, chọn ra những lĩnh vực có thể giao cho khu vực tư nhân đầu tư, cung cấp dịch vụ nhằm giảm tải cho Nhà nước. Nhưng để khuyến khích tư nhân tham gia, Nhà nước cần tạo cơ chế bảo hộ quyền tài sản, quyền kinh doanh, đưa ra những hỗ trợ, ưu đãi đầu tư ban đầu.

Ngoài ra, để bảo đảm tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công có thêm cơ hội và hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, Nhà nước chỉ nên đóng vai trò tạo "sân chơi", tạo cơ chế, chính sách quản lý, thiết lập các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung; tuy nhiên, vẫn cần có sự giám sát chặt chẽ để tránh được những vấn đề như tăng giá, độc quyền, "sân sau". Từ đó, khi Nhà nước có công cụ trong tay, sẽ bảo đảm "sân chơi" được công bằng giữa các DN, chất lượng dịch vụ được bảo đảm, qua đó tranh thủ được nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Ðồng thời, để phù hợp với nhu cầu thực tế, trước khi giao cho tư nhân làm, Nhà nước cần cân nhắc một số yếu tố như tính lâu dài của dịch vụ, các hạn chế về pháp lý và chính sách, mức độ rủi ro, mức độ cạnh tranh, khả năng thay đổi hợp đồng hay chi phí và hiệu quả của việc đấu thầu cạnh tranh,...