Kiểm soát thông tin trên mạng xã hội để bảo đảm an ninh quốc gia

07:16, 21/06/2019

Sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội được ví như “con dao 2 lưỡi” trong đó “lưỡi dao” tiêu cực có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.

Những hệ lụy đáng lo ngại của mạng xã hội

Kể từ khi mạng xã hội đầu tiên Six Degrees ra đời vào năm 1997 đến nay, thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ số lượng mạng xã hội và nội dung thông tin được đăng tải trên mạng xã hội.

Với sự phát triển nhanh chóng của hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ, thông tin được truyền tải gần như tức thì tới mọi ngóc ngách trên toàn cầu và người dân có thể tiếp cận bất kỳ thông tin nào vào bất kỳ thời điểm nào “chỉ với vài cú click chuột”. Thông tin sau đó được phát tán, chia sẻ và lan truyền nhanh chóng thông qua nhiều mạng xã hội khác nhau như Facebook, Instagram, Twitter, Flickr, Pinterest, Tumblr…

Chính sự bùng nổ các mạng xã hội trong thời gian qua đã làm nảy sinh hai xu hướng đối lập. Một mặt, những thông tin chính xác, tích cực mang tính giáo dục, nhân văn cao đã giúp rất nhiều người tại các nước còn nghèo nàn, lạc hậu có cơ hội thay đổi cuộc sống của mình. Chính phủ nhiều quốc gia cũng trở nên gần gũi hơn với người dân và có thể thông qua mạng xã hội để nắm bắt tốt hơn tâm tư và những kỳ vọng của nhân dân để có thể đề ra các quyết sách hợp lòng dân.

Dù lợi ích của mạng xã hội là không thể phủ nhận, tuy nhiên, những tác động tiêu cực của mạng xã hội cũng rất đáng lưu tâm bởi mạng xã hội giờ đây đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân và ảnh hưởng của mạng xã hội giờ đây được đánh giá là “đã vượt xa quy mô của từng quốc gia riêng lẻ và có thể tạo ra những xu hướng chung trên toàn cầu”.

Hơn 6 tháng trước, chỉ từ những đoạn video và nội dung được chia sẻ trên mạng xã hội về sự bức xúc của người dân Pháp trước việc Chính phủ nước này tăng thuế đánh vào mặt hàng nhiên liệu, phong trào Áo vàng đã hình thành. Trong khi mục đích ban đầu chỉ là các cuộc biểu tình nhằm phản ứng với quyết định này, phong trào Áo vàng sau đó đã nhanh chóng bùng nổ thành các cuộc bạo loạn không chỉ ở thủ đô Paris mà còn trên khắp nước Pháp gây ra cuộc khủng hoảng về xã hội và chính trị, tác động lâu dài đến quốc gia châu Âu này.

Xa hơn nữa, một loạt các cuộc chính biến diễn ra trong làn sóng “Mùa xuân Arab” tại các nước Trung Đông và Châu Phi như Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen, Jordan, Oman, Sudan, Syria, Iraq và Libya hay các cuộc “Cách mạng màu” tại Đông Âu như Cách mạng Hoa hồng ở Gruzia, Cách mạng Cam ở Ukraine, Cách mạng hoa Tulip ở Kyrgyzstan cũng được cho là “có sự châm ngòi, kích động của các thế lực xấu trên mạng xã hội nhằm gây bất ổn và thậm chí dẫn đến sự thay đổi chế độ ở một số quốc gia”.

Kiểm soát mạng xã hội: Không hề dễ dàng

Nhận thức rõ những nguy cơ mà mạng xã hội gây ra đối với an ninh quốc gia, nhiều nước trên thế giới cũng đã triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát tốt hơn những thông tin được phép đăng tải trên mạng xã hội và hạn chế tối đa sự lan tràn, phát tán những thông tin giả mạo và độc hại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới đã chỉ ra rằng, điều này là không hề dễ dàng.

"Phòng Chiến tranh" - nơi Facebook dồn mọi nỗ lực để đấu tranh chống lại thông tin độc hại và sai lệch được phát tán ngày càng nhiều trên mạng xã hội lớn nhất thế giới này.

Theo tạp chí nghiên cứu danh tiếng Scientific American, khó khăn đầu tiên chính là việc, số người tham gia vào các hoạt động trên mạng xã hội giờ đã quá lớn. Chỉ riêng mạng xã hội hàng đầu thế giới Facebook, con số này đã là gần 2,4 tỷ người, chiếm 68% số người dùng trên toàn bộ các mạng xã hội khác nhau trên toàn cầu (gần 3,5 tỷ người).

Hơn thế nữa, thông tin được những đối tượng này đăng tải cũng hết sức đa dạng, với nhiều ngôn ngữ ở nhiều quốc gia khác nhau. Những kẻ cố tình đăng thông tin với mục đích xấu ngày càng nắm rõ cơ chế kiểm soát thông tin của các quốc gia mà chúng hướng đến và các công cụ mà các mạng xã hội có tầm ảnh hưởng lớn sử dụng để lọc bớt các thông tin độc hại và thông tin giả mạo.

Điều này khiến cho việc sàng lọc, kiểm soát thông tin diễn ra hết sức khó khăn dù những “ông lớn” về công nghệ như Facebook và Google cho biết đã huy động tới hàng nghìn nhân lực chỉ để làm việc này. Facebook đang trong giai đoạn tuyển mộ tới 25.000 người và sẵn sàng chi hơn 1 USD vào công nghệ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ họ. Tuy nhiên, theo nhận xét của các chuyên gia, nỗ lực này vẫn chỉ như “ném đá ao bèo” bởi những thông tin độc hại và thông tin giả mạo không những không giảm đi mà còn xuất hiện với tần suất dày đặc và đáng lo ngại hơn.

Ngoài ra, việc mỗi quốc gia lại có chính sách khác nhau đối với việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội cũng khiến nỗ lực này gặp rất nhiều rào cản phức tạp. Trong khi một số quốc gia như Đức, Australia, Ai Cập, Thái Lan và mới đây là Philippines và Singapore đã đề ra những luật lệ nghiêm khắc để phạt nặng những những mạng xã hội và cá nhân có những hoạt động gây tác động xấu đối với xã hội hoặc phát tán những nội dung thông tin độc hại, thông tin giả mạo thì tại một số quốc gia khác, những luật lệ này vẫn chưa được thông qua do lo ngại nguy cơ “vi phạm quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận”.

Không chỉ chính phủ các nước mà mỗi người dân cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để chọn lọc những thông tin hữu ích trên mạng xã hội.

Khó khăn là vậy, nhưng một số quốc gia vẫn đặt ra mục tiêu phải kiểm soát được các luồng thông tin, ít nhất là các thông tin chủ lưu trên mạng xã hội. Điều này là bởi, như đã nói ở trên, việc không thể kiểm soát thông tin trên mạng xã hội sẽ khiến tình trạng phát tán những thông tin độc hại, thông tin giả mạo và thậm chí là cả những thông tin mang nội dung chống phá chế độ, nhà nước trở nên bùng phát gây bất ổn về an ninh, trật tự về chính trị, kinh tế, xã hội của chính quốc gia đó./.