WB: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay

10:07, 29/06/2019

Kinh tế Việt Nam đã đi được nửa chặng đường của năm 2019, dù có nhiều khó khăn cả bên trong và bên ngoài nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt khá.

Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với khó khăn khi một số lĩnh vực vốn là động lực tăng trưởng không còn duy trì tốc độ tăng trưởng cao như giai đoạn trước. Trong khi đó, chu kỳ giảm tốc của các nền kinh tế thế giới và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ngày càng leo thang, đang là áp lực lớn tới việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2019.

Để tìm hiểu rõ hơn về tình hình kinh tế sáu tháng qua cũng như nhận diện các thách thức cho sáu tháng cuối năm, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.

- Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam sáu tháng đầu năm 2019?

Ông Sebastian Eckardt: Tiếp sau đà tăng trưởng cao trong năm 2018, Ngân hàng Thế giới nhận thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang chậm lại kể từ đầu năm 2019. Có hai lý do chính cho điều này.

Trước hết, kinh tế tăng trưởng chậm lại do những yếu tố khách quan bên ngoài ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đã tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường bên ngoài của Việt Nam, đặc biệt đối với ngành chế tạo và những ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Thứ hai, xu thế tăng trưởng chậm còn do nguyên nhân nội tại của kinh tế Việt Nam. Cụ thể như tác động của dịch tả lợn châu Phi đối với sản xuất nông nghiệp và sự “hạ nhiệt” của làn sóng đầu tư, đặc biệt là đầu tư trong nước.

Mặc dù vậy, chúng tôi tin rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn sẽ duy trì mạnh mẽ, được dự đoán ở mức 6,6% trong năm nay.

- Theo ông, đâu là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của kinh tế Việt Nam tại thời điểm này?

Ông Sebastian Eckardt: Về cơ bản, động lực tăng trưởng của kinh tế của Việt Nam vẫn là ngành chế tạo. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh, trung bình 11-12%/năm trong vòng bốn năm qua. Ngành chế tạo có tốc độ tăng trưởng nhanh được thúc đẩy bởi dòng vốn FDI khi Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại.

Ngoài ngành chế tạo, tôi cũng thấy tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, giá trị nông sản của Việt Nam cần phải được nâng cao bằng việc chú trọng vào quy trình chế biến nhiều hơn để tạo ra một chuỗi giá trị cao hơn trong dài hạn. Làm được điều này, tôi tin rằng đây cũng là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Một động lực tăng trưởng khác cũng quan trọng không kém là ngành dịch vụ, bởi Việt Nam có tầng lớp trung lưu đang gia tăng và tình hình nhân khẩu học rất tích cực. Trong quá trình đô thị hóa, khi thu nhập hộ gia đình tăng cao, người dân sẽ có xu hướng tiêu thụ nhiều hơn. Do đó, những ngành dịch vụ tập trung vào tiêu dùng nội địa, với khách hàng mục tiêu là tầng lớp trung lưu, sẽ được hưởng lợi không chỉ trong ngắn hạn, trung hạn mà ngay cả khi chúng ta nhìn về quãng thời gian 10 năm tới.

- Sáu tháng đầu năm nay, kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất ổn, nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Theo ông, những yếu tố này có ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam?

Ông Sebastian Eckardt: Kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những yếu tố bất ổn; trong đó phải kể đến căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất thế giới với tỷ lệ trao đổi thương mại/GDP ở mức gần 200%, nên kinh tế Việt Nam khá nhạy cảm với những thay đổi của môi trường thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, xét về mặt tích cực, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tạo điều kiện để các nhà sản xuất Việt Nam cung cấp một số mặt hàng xuất khẩu thay thế cho những sản phẩm trước đây từng do Trung Quốc sản xuất. Qua đó giúp nâng cao thị phần của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ.

Mặc dù vậy, trên phạm vi toàn cầu, những căng thẳng kéo dài, đang làm nản lòng các nhà đầu tư và khiến triển vọng kinh tế thế giới vốn đã chậm chạp, nay lại càng ảm đạm hơn.

Chính vì vậy, trong một mức độ nào đó Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc cải thiện thị phần xuất khẩu nhưng cũng sẽ không tránh khỏi “vòng ảnh hưởng” của những tác động tiêu cực mà căng thẳng thương mại gây ra.

WB: Kinh te Viet Nam se tang truong 6,6% trong nam nay hinh anh 1\
May hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Tổng Công ty May 10. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
 
- Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ được ký kết ngày 30/6 tới đây, theo ông, sẽ tạo cơ hội cũng như thách thức gì đối với Việt Nam?

Ông Sebastian Eckard:  Sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được phê chuẩn vào hồi cuối năm ngoái thì EVFTA là một hiệp định thương mại quan trọng khác đối với Việt Nam.

Về quy mô thị trường, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam, cùng với Singapore, là hai nền kinh tế ASEAN duy nhất sở hữu những hiệp định thương mại sâu rộng và toàn diện với EU. Lợi thế này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực như chế biến thực phẩm và nông nghiệp.

Để nắm bắt cơ hội này, Việt Nam cần tiếp tục cải cách. Ví dụ, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, giờ đây khi rào cản thuế quan đã được hạ xuống, bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm, các mặt hàng xuất khẩu cũng cần phải nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng.

Tham gia EVFTA sẽ có cả cơ hội song hành cùng thách thức và các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải chuẩn bị để sẵn sàng tối đa hóa những lợi ích có được.

- Ông có thể cho biết dự báo của Ngân hàng Thế giới về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019?

Ông Sebastian Eckardt: Như tôi đã nói, Ngân hàng Thế giới dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay.

Chúng tôi hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong bối cảnh các điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, với chỉ số lạm phát được duy trì ở mức dưới 4%, trong khi dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng cao. Bên cạnh đó, tình trạng thâm hụt ngân sách tiếp tục được kiểm soát sẽ giúp tỷ lệ nợ công/GDP được cải thiện.

Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ, dù có chậm hơn so với năm ngoái, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định.

Về trung hạn, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, bối cảnh môi trường bên ngoài còn chứa đựng nhiều rủi ro, điều quan trọng kinh tế Việt Nam phải ở trạng thái sẵn sàng để đối phó với những "cú sốc" có thể xảy đến.

Gần đây Việt Nam đã chú ý tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế bằng việc áp dụng các biện pháp cắt giảm nợ công và kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Do đó, trong trường hợp nền kinh tế cần sự hỗ trợ, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ có khả năng “chống sốc."

- Xin ông hãy đưa ra một vài khuyến nghị để Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế cao và ổn định.

Ông Sebastian Eckardt: Mặc dù triển vọng ngắn hạn đối với Việt Nam là khá tích cực, chúng tôi vẫn nhìn thấy những thách thức dài hạn hơn liên quan đến các động lực tăng trưởng chính kể trên.

Thách thức đầu tiên là vấn đề nhân khẩu học. Việt Nam đang được hưởng lợi từ “lợi tức dân số” khi đang ở trong giai đoạn “dân số vàng." Tuy nhiên, trong vòng 15 năm tới, cơ cấu “dân số vàng” sẽ không còn nên từ giờ đến lúc đó, Việt Nam cần phải tận dụng triệt để lợi thế này.

Thách thức thứ hai là xu hướng đầu tư chậm lại trong năm năm qua so với những ghi nhận trước đây tại Việt Nam và thậm chí là so với mức đầu tư mà chúng ta thấy ở các nền kinh tế đang phát triển nhanh như Trung Quốc, Hàn Quốc hay một số quốc gia khác đã thành công trong duy trì đà tăng trưởng. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục loại bỏ các rào cản đầu tư, đặc biệt là rào cản đầu tư trong khu vực tư nhân.

Thách thức cuối cùng là vấn đề năng suất của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, những quốc gia thành công trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng từ 6-7% trong một thời gian dài là do kiểm soát được đà tăng trưởng năng suất, để từ đó phân bổ nguồn lực đến những khía cạnh hiệu quả hơn của nền kinh tế.

Để duy trì tăng trưởng năng suất, điều quan trọng là Việt Nam phải xây dựng năng lực đổi mới. Hiện nay, tại những nước thu nhập trung bình, động lực tăng trưởng đang dần chuyển sang sử dụng công nghệ đổi mới để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn, Việt Nam cũng nên theo hướng này.

- Xin cảm ơn ông!./.