Việc gia tộc Vua Mèo (họ Vương, Hà Giang) được nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu (sổ đỏ) Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia Khu nhà Vương sau gần chục năm bị cấp "nhầm" chưa lâu đã tiếp tục xảy ra những lùm xùm "hậu sổ đỏ" tạo thêm hồi chuông đáng lưu ý về hoạt động quản lý di sản thuộc sở hữu tư nhân lâu nay vốn nhiều bất cập.
Di sản họ Vương - chuyện chưa có hồi kết
Ngày 20-5 vừa qua, UBND huyện Ðồng Văn đã báo cáo kết quả công nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn; sổ đỏ được cấp lâu dài cho 16 người là con cháu dòng họ Vương, những người thừa kế hợp pháp, đồng sở hữu khu dinh thự họ Vương có diện tích 4.876,6 m2, mục đích sử dụng đất là di tích lịch sử, văn hóa. Vụ việc di sản nhà họ Vương gây chú ý của dư luận từ tháng 7-2018 khi ông Vương Duy Bảo, cháu nội đời thứ năm của ông Vương Chính Ðức (thường gọi Vua Mèo) có đơn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chính quyền địa phương trả lại mảnh đất gắn với tòa dinh thự của họ Vương, sau khi UBND tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ mảnh đất cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ðồng Văn từ năm 2012. Gần một năm qua, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, các bộ, ngành liên quan và tỉnh Hà Giang đã thực hiện việc thu hồi giấy chứng nhận cấp sai quy định; trả lại đúng chủ nhân có quyền sở hữu.
Tuy nhiên, câu chuyện không dừng ở đó bởi những bất cập lâu nay vẫn tồn tại trong hoạt động quản lý, bảo tồn và khai thác di sản thuộc sở hữu tư nhân ở nước ta. Cụ thể trong vụ việc di tích nhà họ Vương, khi tranh chấp sổ đỏ tưởng đã đến hồi kết thì lại tiếp tục nảy sinh một số vấn đề khác. Theo ông Vương Duy Bảo, diện tích được cấp sổ đỏ chưa bao gồm diện tích phía ngoài hàng rào khu dinh thự vốn cũng là đất nhà họ Vương nhưng 26 năm qua chính quyền buông lỏng quản lý, để người dân lấn chiếm, tự ý xây dựng nhà cửa. Hai năm nay, chính quyền không đầu tư tu sửa khiến khu dinh thự xuống cấp và tự ý sửa chữa một số hạng mục không đúng với nguyên gốc, xây nhà vệ sinh gần khu mộ của người nhà họ Vương… Ngày 21-5, ngay sau khi nhận được sổ đỏ, tại cuộc họp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) Hà Giang, ông Bảo thông báo nếu tỉnh không nhanh chóng hoàn thiện quy chế quản lý khu di tích với sự thống nhất ý kiến của con cháu họ Vương thì dòng họ sẽ tự quản lý. Quy chế cần quy định rõ ràng việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ phí tham quan di tích; chính quyền địa phương và gia đình ông cần thương lượng để đưa ra phương án thích hợp, vì 12 năm nay, dòng họ Vương không được hưởng phần nào trong số tiền bán vé. Nếu không đạt thỏa thuận, con cháu họ Vương sẽ đóng cửa dinh thự Vua Mèo… Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở VHTT và DL Hà Giang Lâm Tiến Mạnh khẳng định: Luật Di sản văn hóa quy định rất rõ việc Nhà nước thống nhất quản lý với di sản văn hóa. Khu dinh thự họ Vương là di tích cấp quốc gia, do vậy việc đóng cửa hay không, cá nhân hay dòng họ không thể quyết định.
Theo UBND huyện Ðồng Văn, vài năm qua, khu di tích dinh thự họ Vương thu được khoảng hai tỷ đồng mỗi năm. Số tiền này được dùng để tái đầu tư vào di tích, trả lương nhân viên (có bốn người là hậu duệ Vua Mèo), nộp ngân sách tỉnh, chi trả cho các hoạt động xúc tiến du lịch... Năm 2005, Nhà nước đã chi khoảng 8,5 tỷ đồng để trùng tu di tích này, chưa kể những sửa chữa nhỏ hằng năm. Phó Chủ tịch UBND huyện Ðồng Văn Nguyễn Trung Ngọc cho biết, tỉnh Hà Giang đang thành lập tổ công tác để lấy ý kiến các sở, ngành xây dựng phương án quản lý di tích. Trong hai phương án (địa phương hoặc gia đình quản lý), khả năng vẫn là để địa phương quản lý… Còn việc phân chia doanh thu bán vé tham quan theo nguyện vọng của gia đình họ Vương cũng cần được tính toán, cân nhắc hợp lý, trên cơ sở lợi nhuận còn lại sau khi trừ đi các chi phí tu bổ, trông coi bảo quản di tích… Trước những lùm xùm của vụ việc, Bộ VHTT và DL nêu quan điểm: Ðiều 15 Luật Di sản văn hóa quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu, quản lý trực tiếp di sản văn hóa phải tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tham quan, du lịch, nghiên cứu và bảo vệ, giữ gìn di sản; cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, của địa phương cũng như quy chế hoạt động của Ban quản lý nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, danh lam thắng cảnh. Quy chế quản lý Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia Khu nhà Vương được ban hành từ năm 2007, đến nay cũng cần được rà soát, nghiên cứu, bổ sung theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý trong giai đoạn mới.
Cần sự "bắt tay" để đồng hành
Không chỉ tới khi sự kiện di sản nhà họ Vương gây chú ý gần đây mà trước đó đã lâu, nhiều di sản thuộc sở hữu tư nhân, dòng họ cũng có số phận thăng trầm, khiến cả nhà quản lý và người sở hữu cùng "đau đầu". Một thực tế là nhiều ngôi nhà, địa điểm thờ tự có tính lịch sử, giá trị cao nhưng không được xếp hạng di tích, vì người dân không muốn bị ràng buộc quá nhiều bởi Luật Di sản văn hóa. Ðiển hình là trường hợp nhà thờ họ Nguyễn Khả Trạc (quận Cầu Giấy, Hà Nội), nơi thờ cụ Nguyễn Khả Trạc, người làm quan đến chức Công bộ Thượng thư, tước Hầu thời Lê trung hưng. Trước khi có quyết định trùng tu vào năm 2016, suốt gần 20 năm, nhà thờ này luôn trong tình trạng ngập lụt, xuống cấp, trở thành "rốn nước" bởi nền thấp, trong khi đường sá khu vực cứ nâng lên. Ðại diện dòng tộc Nguyễn Khả nhiều lần gặp chính quyền địa phương xin nâng nền nhà di tích nhưng không được chấp thuận; thậm chí họ từng có ý định xin trả lại danh hiệu Di tích lịch sử văn hóa để còn trùng tu nhà thờ. Trước đó, vụ việc suốt một thời gian dài khiến dư luận chú ý là người dân làng cổ Ðường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) hai lần đòi trả danh hiệu Di tích quốc gia đặc biệt bởi phải loay hoay sống trong những căn nhà chật chội, thậm chí không có nhà vệ sinh trong khi con cái lớn lên dựng vợ gả chồng, số người tăng dần. Mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản cấp quốc gia với bảo đảm đời sống của người dân trong di tích chưa được giải quyết thỏa đáng là nguyên nhân dẫn đến những chuyện "cực chẳng đã" này.
Thời gian qua, rất nhiều công trình có từ thế kỷ 16, 17 bị phá đi, làm cái mới to hơn để đáp ứng nhu cầu chủ sở hữu nhưng Nhà nước không thể áp đặt đây là di tích văn hóa khi người dân sợ bị ràng buộc nên không đăng ký. Ðây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng "chảy máu" di tích, nhất là những di tích có giá trị. Ngân sách nhà nước cho việc trùng tu di tích còn hạn hẹp, vì vậy cần phải có giải pháp phù hợp. Ở một số nơi có nhiều di tích thuộc sở hữu tư nhân, chính quyền địa phương đã có những giải pháp, nỗ lực "bắt tay" chủ di sản cùng quản lý, bảo tồn và khai thác hợp lý, hiệu quả. Nhiều địa phương mạnh dạn để gia chủ quản lý, toàn quyền kinh doanh và sẵn sàng hỗ trợ kinh phí bảo tồn, tôn tạo di tích. Ðiển hình như TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, nơi có hàng trăm nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân nằm trong khu phố cổ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới nhiều năm qua đã có cách quản lý phù hợp để không làm phát sinh mâu thuẫn lợi ích giữa tư nhân và Nhà nước. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sơn cho biết, riêng khu phố cổ Hội An hiện có hơn 1.100 di tích gồm nhà ở, hội quán, chùa, miếu, đình, nhà thờ...; trong đó khoảng 80% thuộc sở hữu tư nhân. Việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích được thực hiện theo tiêu chí "ba nhà": Nhà nước, nhà chuyên môn và chủ nhà (chủ di tích). Dù Nhà nước quản lý về mặt hành chính nhưng chủ nhà toàn quyền quyết định việc kinh doanh hoặc chuyển nhượng cho chủ sở hữu khác, với điều kiện không ảnh hưởng tiêu cực đến di tích. Ðịa chỉ duy nhất ít nhiều có sự hợp tác giữa Nhà nước với tư nhân là Nhà lưu niệm Cao Hồng Lãnh (Nhà cổ Ðức An), song Nhà nước cũng chỉ hỗ trợ tư liệu, nghiệp vụ trưng bày để nơi đây vừa là nhà gia tộc vừa là nhà lưu niệm chứ không trực tiếp quản lý, khai thác. Tuy nhiên, điều đáng nói, Hội An là đất du lịch nổi tiếng, lượng khách tới du lịch rất cao nên nguồn kinh phí tu bổ không phải là khó khăn đối với những di tích thu phí tham quan, vì tiền bán vé lên đến vài tỷ đồng với mỗi địa chỉ. Chỉ một số nhà cổ có đồng chủ sở hữu, khi cha mẹ chết đi, các con được thừa kế đang ở nước ngoài mà nhà xuống cấp không ai sửa chữa thì Nhà nước mới bỏ tiền tu bổ, sau đó cho thuê; khi nào thu hồi đủ tiền tu sửa sẽ bàn giao lại cho gia chủ. Tỉnh Thừa Thiên - Huế là địa phương được biết đến với nhiều di sản của các gia đình, dòng họ lâu đời. Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Huế, thành phố có khoảng 42 phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa triều Nguyễn và 40 nhà vườn đặc trưng. Ðường Phú Mộng, phường Kim Long được xem là tuyến đường có nhiều nhà vườn, thu hút khá đông khách du lịch nhưng không bán vé hoặc giá vé rất thấp, chỉ đủ chi phí trà, nước. Nhằm phát huy giá trị di sản, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện Ðề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế", hỗ trợ kinh phí trùng tu, sửa chữa giúp các nhà vườn, phủ đệ không bị xuống cấp. Ðáng chú ý, Nhà nước quản lý những di tích này như các công trình dân dụng và không có quyền can thiệp vào quá trình sử dụng, cải tạo, xây dựng…
Có thể thấy, để xảy ra những câu chuyện đáng buồn thời gian qua về làng cổ Ðường Lâm hay dinh thự Vua Mèo, nguyên nhân chính phần lớn là từ hạn chế trong công tác quản lý. Theo các chuyên gia về di sản và pháp luật, nhiều quy định hiện nay còn cứng nhắc, thiếu phù hợp với sự thay đổi của xã hội và chưa thật sự khuyến khích được cộng đồng tự nguyện tham gia bảo tồn, phát huy di tích của mình. Luật pháp quy định rõ di sản không cần quốc hữu hóa; các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Vì vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa tư nhân và Nhà nước trong việc quản lý, tôn tạo và sử dụng di tích. Luật sư Trương Anh Tú, Ðoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm: Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý, tạo hành lang, khuôn khổ pháp luật để tư nhân hoạt động và phải có chế tài chặt chẽ; nên để cho chủ sở hữu di tích trực tiếp quản lý, xem xét các đề xuất, yêu cầu của họ để hỗ trợ cùng phát triển. Về phía tư nhân, khi khai thác sử dụng phải tôn trọng và thực hiện đúng các quy định của Luật Di sản văn hóa. Khi người dân được hưởng lợi từ di tích, họ sẵn sàng chung tay với Nhà nước để cùng gìn giữ và phát huy giá trị di sản cho bản thân và cả cộng đồng.
Từ sự việc di sản nhà họ Vương, Bộ VHTT và DL sẽ rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lĩnh vực di sản văn hóa để nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện nhằm bảo vệ, phát huy tốt nhất các giá trị của di sản văn hóa phục vụ người dân, cộng đồng.
Cơ quan quản lý cần thay đổi cách tư duy về việc quản lý, tôn trọng vai trò của người chủ sở hữu là dòng họ. Cần tạo ra sự dân chủ, đối thoại cởi mở giữa chủ sở hữu di sản với chính quyền để không dẫn đến tình trạng mâu thuẫn giữa chủ thể văn hóa và bảo tồn di tích bị đẩy lên cao. Lê Thị Thu Hiền, Cục Trưởng Di sản văn hóa |
Cơ quan quản lý cần thay đổi cách tư duy về việc quản lý, tôn trọng vai trò của người chủ sở hữu là dòng họ. Cần tạo ra sự dân chủ, đối thoại cởi mở giữa chủ sở hữu di sản với chính quyền để không dẫn đến tình trạng mâu thuẫn giữa chủ thể văn hóa và bảo tồn di tích bị đẩy lên cao. PGS, TS Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học |