Sáng nay (23/7), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì Hội nghị trực tuyến với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Tổ Công tác (thuộc Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử), đến nay, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; 100% các bộ và 32/63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17 của Chính phủ. Đến nay, việc xây dựng Chính phủ điện tử, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được thực hiện. Trong đó, đã triển khai gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước (từ giữa tháng 3 đến khoảng giữa tháng 7 này, đã có trên 68.200 văn bản gửi và 203.500 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia); thiết lập Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet); xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và thiết lập Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các hệ thống thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng được triển khai như xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Tính đến quý 2/2019, các địa phương đã cung cấp 43.369 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, với 989 cơ quan đơn vị sử dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành công việc, gửi/nhận liên thông văn bản điện tử, hàng năm, tỉnh đã thực hiện gửi/nhận gần 01 triệu văn bản điện tử; 200 cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) sử dụng phần mềm một cửa điện tử, liên thông văn bản hồ sơ TTHC từ tỉnh đến xã, hàng năm xử lý hơn 1,2 hồ sơ TTHC; có 9700 tài khoản thư điện tử hoạt động liên tục. Việc thực hiện chính quyền điện tử đã làm cho hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt. Hoạt động kiểm soát công việc, kiểm soát giải quyết thủ tục hành chính rất kịp thời với số liệu chính xác hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí quản lý hành chính và các nguồn lực khác trong giải quyết công việc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổ công tác cũng cho rằng, một số nội dung triển khai chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo, còn tình trạng lùi thời hạn, chưa chủ động trong thực hiện; tiến độ xây dựng một số cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin còn chậm hoặc gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn rất hạn chế. Mặc dù công tác gửi, nhận văn bản điện tử đã được triển khai rộng khắp nhưng việc đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản điện tử chưa được đồng bộ; thể thức, hình thức chữ ký số văn bản của các bộ, ngành và địa phương chưa thống nhất. Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tại một số địa phương chưa đảm bảo chức năng; số lượng dịch vụ công trực tuyến nhiều nhưng tỷ lệ phát sinh hồ sơ thấp, kém hiệu quả, có dịch vụ không phát sinh hồ sơ gây lãng phí...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Cần đẩy mạnh việc thực hiện Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Việc xây dựng Chính phủ điện tử là giải quyết 4 mối quan hệ, gồm 2 quan hệ với bên ngoài (Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp) và 2 quan hệ nội bộ (giữa các cơ quan Chính phủ với nhau, giữa Chính phủ với cán bộ công chức). Mục tiêu của Chính phủ điện tử là cung cấp thông tin và dịch vụ công dựa trên nền tảng số tới mọi người, mọi lúc, mọi nơi; tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng; tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định của Chính phủ. Về nguyên tắc, phải bảo đảm liên thông, không trùng lắp, có thể mở rộng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Về phương châm thực hiện Chính phủ điện tử, phải lấy người dân làm trung tâm, lấy sự thuận tiện, hài lòng của người dân làm mục tiêu. Dịch vụ công trên nền tảng số phải thuận tiện, nếu người dân không dùng, doanh nghiệp, tổ chức không dùng thì coi như Chính phủ điện tử thất bại. Về cách tiếp cận, cách làm Chính phủ điện tử, Thủ tướng lưu ý sử dụng hình thức đối tác công tư một cách chặt chẽ, những gì đã phát triển, đang chạy tốt thì phải liên thông lại, xây dựng các nền tảng dùng chung cho các tỉnh, các bộ, ngành, đầu tư phải đồng bộ, tránh lãng phí.