Sáng 25-7, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 Quốc gia). Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có các đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đặng Xuân Trường, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy và các thành viên BCĐ 138, BCĐ 389 của tỉnh.
Theo báo cáo của BCĐ 138/CP, toàn quốc xảy ra 25.617 vụ phạm pháp hình sự (giảm 0,99% so với cung kỳ 2018), trong đó tỷ lệ điều tra của Bộ Công an về các vụ phạm pháp hình sự đạt 82,25%; án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,16% (vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra). Đặc biệt đã ngăn chặn, triệt phá được nhiều vụ án ma tuý lớn nhất từ trước đến nay. Còn đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cũng đã được triển khai đồng bộ ở các cấp, ngành. Theo đó, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 86 nghìn vụ việc vi phạm (giảm 16%), thu nộp ngân sách Bhà nước trên 6 nghìn tỷ đồng (giảm 18%), khởi tố trên 1,3 nghìn vụ, với 1.546 đối tượng. Trong đó, đã phát hiện và xử lý nhiều đường dây buôn lậu, sản xuất hàng giả lớn, được người dân đánh giá cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục. Đó là, tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, vẫn còn tình trạng bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ công chức thoái hoá, biến chất…
Trong những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cơ bản đồng tình với các giải pháp mà hai BCĐ đưa ra, đồng thời cũng nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 138, BCĐ389 Quốc gia, cần xác định các nhiệm vụ công tác này là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng, sẽ kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí nhiệm vụ công tác khác. Làm tốt công tác nắm và dự báo tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ trong phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc, giảm sút lòng tin ở đội ngũ cán bộ, công chức; tổ chức phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng như công an, hải quan, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng… Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất, tiếp tay cho tội phạm...