Liên quan việc một số trạm thu phí BOT chậm triển khai lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC), sẽ bị Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) yêu cầu tạm dừng thu từ ngày 10-7 tới, các nhà đầu tư BOT một mặt bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương triển khai ETC đúng đắn của Chính phủ, tuy nhiên lại không đồng tình cách làm của Tổng cục ĐBVN do có nhiều điểm trái quy định, đẩy nhà đầu tư vào thế khó khăn.
Vi phạm nhiều quy định
Mới đây, Tổng cục ĐBVN yêu cầu các đơn vị lên kế hoạch, phương án tạm dừng thu phí ba trạm BOT do chậm trễ ký phụ lục hợp đồng triển khai ETC, gồm trạm Bắc Hải Vân, Cam Thịnh và Cần Thơ - Phụng Hiệp, nhiều nhà đầu tư BOT đã lập tức có ý kiến. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông ĐBVN (Hiệp hội) Đặng Văn Đại khẳng định, việc triển khai ETC là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, giúp các phương tiện tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo đảm an ninh trật tự và tránh nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, Hiệp hội bày tỏ quan điểm không đồng tình việc triển khai ETC của Tổng cục ĐBVN đối với hàng loạt doanh nghiệp (DN) dự án thời gian qua. Theo đó, việc triển khai ETC có nhiều điểm trái các quy định trong Luật DN, Luật Đầu tư, Bộ luật Dân sự và thỏa thuận hợp pháp tại các hợp đồng BOT, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp giữa nhà đầu tư và các bên có liên quan. Điều này gây tâm lý hoang mang đối với chính sách của Nhà nước và những rủi ro môi trường đầu tư, kinh doanh của nhà đầu tư. Việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC và yêu cầu nhà đầu tư ký phụ lục hợp đồng BOT để điều chỉnh nội dung này (bao gồm cả việc ấn định tỷ lệ phần trăm doanh thu phải trích lại từ doanh thu BOT cho đơn vị vận hành ETC) đang bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn do chưa có sự thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để điều chỉnh hợp đồng BOT. Khi điều chỉnh hợp đồng dự án BOT, các bên phải đàm phán, thỏa thuận để bảo đảm quyền và lợi ích của các bên trong hợp đồng cũng như tuân thủ nguyên tắc bình đẳng, thỏa thuận trong giao kết hợp đồng của Bộ luật Dân sự.
Đồng thời, trong hợp đồng tín dụng, DN dự án đã ký hợp đồng, thế chấp toàn bộ quyền tài sản cho ngân hàng cấp tín dụng để thực hiện nghĩa vụ của DN dự án tại ngân hàng. Vì vậy, việc buộc các DN dự án ký Phụ lục hợp đồng BOT bàn giao trạm thu phí cho đơn vị thu phí ETC quản lý, vận hành sẽ ảnh hưởng trực tiếp quyền quản lý vận hành trạm thu phí của DN dự án. “Việc này sẽ dẫn tới hệ lụy đẩy nhà đầu tư bị vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp và phải gánh chịu các chế tài về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại. Toàn bộ doanh thu chuyển vào tài khoản của ngân hàng tài trợ cho dự án theo mô hình xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO) trước khi chuyển về tài khoản của ngân hàng tài trợ dự án BOT, đã vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận hợp pháp trước đó do tài sản hình thành từ đầu tư và quyền thu phí đã được thế chấp tại ngân hàng cho vay dự án BOT, gây rủi ro trong quản lý dòng tiền hoàn vốn”, ông Đặng Văn Đại đánh giá. Do đó, theo quan điểm của Hiệp hội, việc bàn giao trạm thu phí và chuyển dòng tiền thu phí từ ngân hàng cho vay dự án BOT sang bên thứ ba cần có ý kiến của ngân hàng cho vay. Mặt khác, tỷ lệ trích doanh thu cho đơn vị thu phí ETC chưa có căn cứ tính cụ thể và hiện đang tính trên tổng doanh thu của trạm BOT mà không tách bạch doanh thu của ETC và làn thu thủ công MTC. Việc trích doanh thu làm ảnh hưởng phương án tín dụng của các dự án và chưa có sự thống nhất với nhà đầu tư trước khi triển khai.
Gỡ khó, thúc đẩy tiến độ ETC
Theo đánh giá chung với cách thức triển khai của Tổng cục ĐBVN và trên thực tế các dự án BOO nói chung, các nhà đầu tư BOT hiện đang gặp khó khăn trong giám sát số lượng xe qua lại trạm và giám sát đơn vị ETC nhằm bảo đảm khách quan. Đối với chủ phương tiện, việc kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản giao thông mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí chưa được thực hiện. Người dùng muốn dùng dịch vụ ETC phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông nhưng không được tính lãi, các trường hợp được miễn vẫn phải nộp tiền vào tài khoản trả trước, bị khấu trừ khi qua trạm và chỉ được hoàn trả lại trong thời hạn 15 ngày. Người sử dụng dịch vụ và các ngân hàng cho vay BOT không đồng tình cách làm này vì tiền của chủ phương tiện bị chiếm dụng và ngân hàng cho vay BOT cũng không được quản lý nguồn tiền thu phí của bên vay. Trên thực tế, số lượng phương tiện sử dụng ETC tại các trạm BOT rất thấp và thói quen sử dụng tiền mặt của người dân gây rủi ro thu phí khi bàn giao toàn bộ các làn, chuyển sang ETC, chỉ để lại hai làn ngoài cùng thu phí hỗn hợp, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông và thất thoát doanh thu. Điều này khiến các DN dự án có cảm giác chưa đủ tin tưởng đơn vị cung cấp dịch vụ ETC.
Mặt khác, có sự bất hợp lý trong khi sử dụng phương án tài chính của nhà đầu tư dự án BOO lập, áp đặt vào phương án tài chính của dự án BOT đã hoàn thành trước đó. Các nhà đầu tư BOT hoàn toàn có thể tự lắp đặt và vận hành thiết bị ETC tại trạm theo các tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ do cơ quan nhà nước ban hành. Tuy nhiên, toàn bộ việc đầu tư lắp đặt thiết bị thu phí ETC đã tính trong phương án tài chính của dự án BOO, do nhà đầu tư BOO được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ định trúng thầu lắp đặt, không thông qua đàm phán giá, buộc nhà đầu tư phải tạm dừng thu phí là không tuân thủ quy định pháp luật. Việc triển khai ETC mới chỉ nhìn tới việc bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư BOO, chưa tính đến các rủi ro của DN dự án BOT, các DN dự án cũng như các bên liên quan không nhìn thấy một cơ chế bảo vệ, hỗ trợ. Khi nguồn tiền thu phí đều đổ về tài khoản của nhà đầu tư dự án BOO, ai sẽ hoàn trả tiền thu phí cho DN dự án BOT, ngân hàng cấp tín dụng nếu nhà đầu tư dự án BOO sử dụng nguồn tiền sai mục đích, hoặc rơi vào tình trạng phá sản? Như mọi DN khác, các nhà đầu tư của dự án BOO hoàn toàn có quyền chuyển giao phần vốn cho một DN nước ngoài khác, kéo theo số phận chông chênh của các nhà đầu tư BOT và ngân hàng tài trợ vốn.
Hiệp hội khẳng định, sẵn sàng làm cầu nối thúc đẩy việc lắp đặt hệ thống ETC, nếu Bộ GTVT xử lý được các khúc mắc, tuân thủ quy định pháp luật và quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ ETC, hiện đại hóa công nghệ thu phí, tăng cường tính công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho người sử dụng, Hiệp hội sẽ báo cáo Chính phủ, kiến nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra, đánh giá việc thu phí một dừng đã thực hiện trước đây và áp dụng công nghệ ETC hiện nay thông qua cách thức chỉ định bổ sung đầu tư có bảo đảm tính minh bạch hay không? Đồng thời, xem xét việc áp đặt tỷ lệ trích 2% trên doanh thu của làn ETC do Bộ GTVT đưa ra không thông qua đàm phán, gây bức xúc cho DN dự án BOT đang gặp nhiều khó khăn khi xử lý các bất cập về cơ chế, chính sách trước đó. Hiệp hội kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét, có ý kiến về sự phù hợp theo quy định của pháp luật hiện hành đối với các chỉ đạo của Bộ GTVT về việc triển khai ETC. Theo đó, cần làm rõ quy định chủ yếu về mức phí không có căn cứ được thỏa thuận với nhà đầu tư thu phí đường bộ, được Bộ GTVT và nhà cung cấp dịch vụ ấn định, thỏa thuận và trích trực tiếp trong tổng doanh thu thu phí (bao gồm MTC+ETC) của nhà đầu tư dự án thu phí ETC. Việc bàn giao các làn và toàn bộ trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ ETC (trạm thu phí đã được Bộ GTVT chấp thuận thế chấp tại ngân hàng cho vay đầu tư dự án BOT), các nội dung này đã vi phạm quy định hiện hành của Luật DN, Luật Đầu tư, Bộ luật Dân sự,... Hiệp hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến về việc Bộ GTVT yêu cầu bàn giao trạm thu phí và áp đặt mức tính phí tổ chức thu phí ETC không phù hợp, ảnh hưởng tính pháp lý và phương án tín dụng. Kiểm tra cách tổ chức thực hiện của Bộ GTVT khi trình chủ trương và quá trình triển khai lựa chọn nhà thầu (chỉ định thầu) thu phí ETC hiện nay. Cách làm này tiềm ẩn nguy cơ sẽ lặp lại sai phạm về thủ tục đầu tư, giống như cách tổ chức thực hiện dự án mở rộng quốc lộ 1 trước đây đang để lại hệ lụy, xung đột lợi ích tại các trạm thu phí, phá vỡ phương án tài chính, đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Rút lại thông báo “tạm dừng thu phí” với bốn dự án BOT Ngày 8-7, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ đã họp giải đáp vướng mắc cho các nhà đầu tư BOT và đàm phán nhằm đẩy nhanh tiến độ ký phụ lục hợp đồng, triển khai lắp đặt, vận hành ETC trong năm nay. Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Tổng cục ĐBVN rút lại thông báo tạm dừng thu phí với bốn dự án BOT; đồng thời, giao Vụ Đối tác công - tư (PPP) tính toán tỷ lệ trích lại chi phí doanh thu, quản lý dự án cho nhà cung cấp dịch vụ ETC, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa bên cung cấp dịch vụ ETC và nhà đầu tư BOT. Ngoài ra, không có chuyện nhà đầu tư BOT phải bàn giao toàn bộ trạm cho nhà cung cấp dịch vụ ETC, chỉ bàn giao một số làn để tổ chức lắp đặt, thu phí theo công nghệ ETC. Tất cả nhân sự, tài sản của trạm thu phí vẫn thuộc doanh nghiệp dự án quản lý. |