Tại cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với các Bộ ngành, địa phương chiều 4/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã thông tin về những chuyển biến mới trong công tác phòng chống Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Ngày 9/7 tới đây Bộ NN&PTNT sẽ họp và đưa ra các hướng dẫn mới về phòng chống DTLCP.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khái quát sự nguy hiểm của DTLCP hiện nay và nhấn mạnh: “Nuôi lợn chiếm khoảng 9% tổng giá trị của toàn ngành nông nghiệp. Thiệt hại do DTLCP đến nay đã làm mất khoảng 10% tổng đàn lợn, ảnh hưởng rất lớn đến ngành và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của 2,4 triệu hộ nông dân nuôi lợn”.
Đến nay đã có khoảng 2,8 triệu con lợn nhiễm bệnh và công tác kiểm soát vẫn còn rất khó khăn, tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác phối hợp chống dịch từ trung ương đến địa phương, giữa chính quyền với nhân dân…
“Hiện nay, đã có 659 xã của hơn 300 huyện và 40 tỉnh sau 30 ngày không còn dịch quay trở lại, đây là tín hiệu rất tốt. Cùng với đó, sau 4 tháng tập trung nghiên cứu quyết liệt phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các nhà khoa học và người chăn nuôi đã có 2 trung tâm ra được vaccine cho tín hiệu khả quan về DTLCP. Cụ thể là qua thí nghiệm các lô (6-8 con/lô) thì có khoảng 80% số làm thí nghiệm chứng minh có tác dụng. Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng thí nghiệm. Từ vaccine trong phòng thí nghiệm ra đến vaccine thương mại còn một quá trình dài nhưng đã có 2 trung tâm ra được vaccine hiệu quả như vậy và chúng ta có quyền hy vọng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Một tín hiệu đáng mừng nữa được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin là việc dùng các chế phẩm vi sinh có lợi để tăng cường sức đề kháng của con lợn cũng cho hiệu quả tốt. Cụ thể, riêng Thừa Thiên Huế có 5 huyện với 1.200 con lợn của 17 hộ gia đình sau khi dùng chế phẩm đã không mắc dịch trong khi xung quanh đều có DTLCP.
Trước đó ngày 2/7, báo cáo về tình hình nghiên cứu DTLCP, bà Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, qua thử độc lực virus trên lợn, nhóm nghiên cứu đã chọn ra được 3 chủng virus DTLCP có độc lực cao. Xác định được cơ chế sinh bệnh, sự phân bố của virus trong cơ quan con lợn. Đối với đề tài chọn các dòng tế bào thích nghi với DTLCP/Chế tạo tế bào PAM, hiện đã chủ động sản xuất được tế bào PAM đủ dùng và đang thích nghi virus trên 4-5 dòng tế bào khác nhau, hiện đang tìm ra dòng tế bào thích nghi nhất.
Đặc biệt, theo bà Lan, đến nay các nhóm nghiên cứu của Học viện đã tạo được vaccine vô hoạt thế hệ mới và bước đầu có kết quả tốt trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên diện hẹp.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu tại phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ sinh học thú y, tại khu nuôi động vật thí nghiệm của Học viện và cơ sở chăn nuôi ngoài thực địa. Theo đó, vaccine thử nghiệm đã được tiến hành tại 3 trại lợn bị bệnh DTLCP thuộc 3 hộ gia đình khác nhau ở Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình.
Kết quả cho thấy, toàn bộ 16/18 lợn nái và 15 lợn thịt của 3 hộ gia đình này đều sống khoẻ mạnh sau hơn 2 tháng, một số nái đã đẻ và lợn con khoẻ mạnh. Trong khi những con lợn không được tiêm vaccine thì đều chết do DTLCP.
Đánh giá về độ an toàn của vaccine, bà Lan cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy, vaccine an toàn đối với lợn được tiêm phòng và có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm phòng (có 83,3% lợn sống khi công cường độc và 100% lợn sống khi nhiễm tự nhiên).
“Tuy nhiên với loại vaccine vô hoạt đã sản xuất ra, cần tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm thêm trên diện rộng hơn. Trong khi đợi Bộ NN&PTNT cấp kinh phí khẩn cấp cho nghiên cứu và sản xuất vaccine DTLCP, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm cấp III, chúng tôi cũng đề nghị nhóm nghiên cứu chuẩn bị sản xuất từ 300-500 liều vaccine để phục vụ thí nghiệm. Hạn chế, khó khăn hiện nay là chúng ta chưa có cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết để sản xuất vaccine quy mô công nghiệp”, bà Lan nhấn mạnh.