Tỉnh táo trước nguy cơ trở thành bãi chứa rác thải công nghệ, lựa chọn dòng đầu tư chất lượng để nền kinh tế Việt Nam có thể phát triển bền vững.
Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay ghi nhận sự gia tăng đột biến dòng đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Cụ thể, trong 95 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hongkong (Trung Quốc) dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỷ USD và Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,29 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư…
Nhiều chuyên gia nhận định, sự tăng trưởng đầu tư đột biến này là do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp và nguy cơ hiện tượng này còn tiếp tục kéo dài. Điều này gây không ít bất lợi đối với thương mại, kinh tế, có nguy cơ khiến Việt Nam trở thành bãi chứa rác thải công nghệ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, mọi quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc đang đứng trước yêu cầu cấp bách là phải đổi mới đột phá về công nghệ, để có thể cạnh tranh được với những thị trường đang áp thuế rất cao vào quốc gia này. Để đổi mới, họ sẽ phải thay thế toàn bộ công nghệ cũ, dẫn tới thực tế các thế hệ công nghệ thải loại phải tìm cách đi sang các quốc gia khác kém phát triển hơn, trong đó có Việt Nam.
“Doanh nghiệp Việt cần hết sức tỉnh táo khi đầu tư vào các dây chuyền công nghệ giá rẻ của các nước khác xuất sang. Bởi lẽ nếu các nước xung quanh thay đổi hệ thống công nghệ cao hơn, năng suất lao động của họ sẽ cao hơn và chi phí giảm xuống. Trong khi nếu Việt Nam “ôm” vào công nghệ kém hiện đại hơn thì sẽ khó có thể cạnh tranh nổi không chỉ với thị trường xuất khẩu mà cả thị trường trong nước”, ông Phong phân tích.
Cùng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Trung Quốc đã có chiến lược khá cụ thể, rõ ràng về việc dùng công nghệ để có bước tiến đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội và vị thế trên thế giới. Nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, họ sẽ càng gấp rút đẩy nhanh, đẩy chắc chiến lược của mình.
“Trung Quốc đang thúc đẩy phát triển hàng loạt các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư như trí tuệ nhân tạo, 5G, blockchain, máy học… Để ứng dụng những công nghệ này, họ buộc phải thay thế những công nghệ cũ đang dùng”, ông Lộc cho hay.
Theo Chủ tịch VCCI, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu của giai đoạn mới là phải tái cấu trúc lại đầu tư nước ngoài, hướng tới những dòng đầu tư có chất lượng, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường hơn.
Dòng vốn đầu tư từ Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản là những dòng vốn đáp ứng yêu cầu đó. Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA) là sự khơi thông được nguồn vốn đầu tư chất lượng cao hơn vào nền kinh tế Việt Nam.
“Khi được làm ăn với các đối tác châu Âu – đối tác từ một trong những nền kinh tế dẫn dắt thế giới về các chuẩn mực từ thương mại đến quản trị - doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện nâng cấp mình lên”, ông Lộc cho biết thêm.
Ông Lộc cũng nhấn mạnh: “Chơi với những “người khổng lồ” có thể giúp doanh nghiệp Việt nâng cấp trở thành những doanh nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội thúc đẩy cải cách thể chế trong nước vươn tới chuẩn mực toàn cầu”.
Trong tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu Việt Nam trở thành một trong 20 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh và có môi trường kinh doanh dẫn đầu toàn cầu.
Do đó, thời gian tới, Chính phủ Việt Nam vẫn kiên định trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chọn lọc đối với các dự án lớn, trọng điểm, các dự án phát triển tốt về môi trường và định huớng được dòng vốn FDI vào những ngành mà Việt Nam đang cần trong thời gian tới./.