Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, sáng ngày 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 nhằm tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng; tăng hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí đặc biệt là đối với các hoạt động đầu tư xây dựng có sử dụng vốn nhà nước; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước...
Thảo luận tại Phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị làm rõ: “Tình trạng nhà xây dựng sai phép, cơi nới, siêu mỏng đang diễn ra hiện nay, vậy luật ra đời có xử lý được những vấn đề này không?”
Bên cạnh đó, cho rằng việc cấp phép xây dựng phải đảm bảo tính đơn giản để giảm thủ tục hành chính.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị những quy định về cấp phép xây dựng cần đơn giản hóa để giảm thủ tục hành chính bởi nếu thủ tục kéo dài, mọi chi phí đều tính vào giá thành, cuối cùng người dân phải gánh chịu.
Bà Hải nêu dẫn chứng: “Có trường hợp người dân xin cấp phép xây dựng rất khó khăn nhưng có công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại làm mất lòng tin của người dân vì hiện tượng “phạt cho tồn tại”. Trên cơ sở đó kiến nghị, Luật sửa đổi phải đưa nguyên tắc xử lý, không cho phạt tồn tại, như vậy sẽ làm mất tính răn đe của pháp luật, cứ “có tiền” là được tồn tại.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ rà soát ngoài 37 văn bản hướng dẫn thi hành thì còn vấn đề nào của Luật mà chưa được hướng dẫn thi hành không?. Theo bà Nga, báo cáo tổng kết thi hành Luật Xây dựng cần được làm kỹ lưỡng; chỉ rõ mức độ xử lý vi phạm xây dựng; tình trạng xuống cấp công trình rất nhanh, nhất là ở công tình đầu tư công; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm tiến hành ra sao…. Từ đó, Luật sửa đổi bảo đảm giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay, chấn chỉnh thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực xây dựng…/.