Một đô thị bảo đảm môi trường sống tốt cho người dân không chỉ đo bằng những ngôi nhà cao tầng mà còn đo bằng diện tích của những công viên, số lượng cây xanh...
Trong lúc nhiều đô thị ở nước ta đều tận dụng những khu đất vàng để phát triển các dự án bất động sản, thì thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương vừa quyết định lấy đất vàng làm công viên.
Khu đất ở trung tâm Thủ Dầu Một, có diện tích rộng hơn 5.000 m2, trước đây là trụ sở làm việc của hàng loạt cơ quan nhà nước như: Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài chính, Trung tâm phát triển quỹ đất, Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên… Khu đất này có ba mặt tiếp giáp ba tuyến đường, có vị trí đắc địa và sầm uất nhất tỉnh Bình Dương, với giá trị đất hàng trăm tỷ đồng. Nhưng thay vì bán đấu giá hoặc cho thuê khu đất vàng, thành phố đã quyết định biến nơi đây thành công viên, làm nơi sinh hoạt chung cho cộng đồng, bỏ qua lợi ích kinh tế. Ngoài vị trí này, nhiều tuyến đường khác ở Thủ Dầu Một cũng có những công viên khang trang mọc lên trên địa điểm vốn là trụ sở của các cơ quan nhà nước.
Quyết định của Thủ Dầu Một là một điểm sáng đặc biệt trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học diễn ra rất nhanh, khiến các đô thị lớn ngày càng ngột ngạt, không khí bị ô nhiễm ngày càng nặng, do thiếu công viên, cây xanh, mặt nước, vốn là những lá phổi để điều hòa không khí.
Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là hai đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng tỷ lệ diện tích cây xanh trung bình trên đầu người khoảng 2m2. Mật độ này cách rất xa so với quy chuẩn của đô thị là 7 đến 9m2, và chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố ở các nước tiên tiến trên thế giới.
Nhìn ra nước ngoài, nhất là những nước phát triển, tất cả đều ấn tượng với hệ thống công viên, cây xanh của họ. Ở Paris (Pháp) được coi là nơi đất chật người đông, nhưng những công viên nổi tiếng của thành phố này đã làm ngất ngây biết bao du khách. Ở New York (Mỹ), Công viên Trung tâm nằm giữa quận Manhattan, với diện tích hơn 340 ha, thật sự là một khu rừng giữa thành phố, khiến nó nổi tiếng bậc nhất nước Mỹ cũng như trên toàn thế giới.
Hay ở Singapore, quốc đảo chật hẹp, dân số khoảng 5 triệu người nhưng có đến 2 triệu cây xanh. Trong khi đó TP. Hồ Chí Minh chỉ có 102.000 cây xanh có số, địa chỉ, trong khi dân số là 10 triệu người.
Một đô thị bảo đảm môi trường sống tốt cho người dân không chỉ đo bằng những ngôi nhà cao tầng mà còn đo bằng diện tích của những công viên, số lượng cây xanh. Người ta ước tính, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10m2 cây xanh hoặc 25m2 thảm cỏ để bảo đảm không khí trong lành. Điều đó dường như đã được nhận thức thống nhất nhưng trong thực tế thì đất cây xanh cho toàn đô thị, từng khu vực đô thị, đất để phát triển công viên - vườn hoa, đều có tỷ lệ rất thấp.
Ở Hà Nội, những con đường xanh một thời được mệnh danh là đẹp nhất Thủ đô như Nguyễn Trãi, Láng Hạ, Phạm Văn Đồng…cây cổ thụ không còn nhiều như xưa. Ở TP. Hồ Chí Minh, tình trạng cũng tương tự, những rặng bàng, xà cừ, hàng me có tuổi đời cả trăm năm trên đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách mạng Tháng Tám, Phạm Ngọc Thạch… giờ cũng chỉ đếm trên đầu ngót tay.
Những khu đất vàng, những khoảng không gian xanh công cộng ở các khu trung tâm luôn có giá trị thương mại ngày càng bị thu hẹp nhường chỗ cho các tòa nhà cao tầng, khiến gia tăng mật độ dân cư, quá tải về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đặc biệt là tình trạng tắc đường, ngập úng, ô nhiễm khói bụi...
Đã đến lúc không thể hy sinh môi trường để phát triển kinh tế, bởi lẽ cái giá phải trả cho ô nhiễm môi trường, cho sức khỏe của con người là quá đắt. Vì sự phát triển bền vững của mỗi đô thị và nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân, bắt buộc phải nâng cao tỷ lệ cây xanh trên đầu người theo quy chuẩn của đô thị. Thủ Dầu Một làm được thì không có lý do gì Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị khác không làm được !?