Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 23-10, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Phát biểu tại phiên thảo luận, đồng chí Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tán thành với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động, đồng thời đề nghị Quốc hội cần xem xét thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng nhiều chiều để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. Báo Thái Nguyên lược ghi bài phát biểu, giới thiệu cùng bạn đọc.
Về loại hợp đồng lao động: Điều 20 Dự thảo Bộ luật quy định 02 loại hợp đồng là hợp đồng không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn (bỏ quy định về hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng). Thực tế loại hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng phát sinh nhiều trong đời sống xã hội (theo Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật lao động chiếm tới 16,6%). Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định về loại hợp đồng này vào Điều 20 Dự thảo Bộ luật cho phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và cũng phù hợp với khoản 2 Điều 18 của Dự thảo Bộ luật.
Về thỏa ước lao động tập thể (Điều 75), Khoản 2 quy định: “Nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật”. Như vậy, Dự thảo mới đã sửa đổi quy định hiện hành là “thỏa ước lao động tập thể phải có lợi hơn cho người lao động” thành “khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật”.
Đại biểu đề nghị giữ nguyên như Bộ luật hiện hành. Vì, nếu thoả ước lao động tập thể chỉ không trái quy định pháp luật thì vì lợi ích, người sử dụng lao động sẽ có xu hướng thoả thuận theo đúng hành lang pháp luật lao động. Việc quy định khuyến khích thỏa ước lao động có lợi hơn cho người lao động dễ dẫn tới hình thức vì chỉ là "khuyến khích", khó đạt được nội dung căn bản cốt lõi của thoả ước lao động tập thể là “sự thoả thuận có lợi hơn cho người lao động”. Do đó, đề nghị cho giữ nguyên như luật hiện hành để bảo vệ quyền lợi đối với người yếu thế là người lao động.
Về làm thêm giờ (Điều 107): Chính phủ đề xuất mở rộng khung thoả thuận về giờ làm thêm tối đa trong một số trường hợp đặc biệt từ 300 giờ một năm lên 400 giờ một năm, tăng thêm 100 giờ một năm so luật hiện hành. Đại biểu không đồng tình việc tăng giờ làm thêm với người lao động mà nên giữ nguyên quy định hiện hành và cần có bổ sung cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm (nhất trí Phương án 1 Dự thảo Bộ luật).
Việc mở rộng khung làm thêm giờ hiện nay, dù bất kỳ lý do gì đều không phù hợp với xu thế tiến bộ thế giới “Tăng tiền lương, giảm giờ làm”. Việc giữ khung như luật hiện hành là phù hợp, hiện nay, Đảng, Nhà nước đang có nhiều giải pháp để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, đồng thời cần có thời gian để người lao đông nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và chăm sóc gia đình. Việc tăng thêm giờ làm việc của người lao động đồng nghĩa người sử dụng lao động không tăng tuyển dụng lao động mới, khai thác quá mức sức khoẻ người lao động và người sử dụng lao động sẽ không phải chi phí thêm BHXH, BHYT, BHTN… Việc sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động với lao động có tuổi cao sẽ gia tăng khi không đáp ứng được nhu cầu làm thêm của người sử dụng lao động, tạo gánh nặng cho Nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội đối với người lao động.
Về tuổi nghỉ hưu (Điều 169), đại biểu Hoàng Văn Hùng đồng tình thống nhất cao với phương án 1: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường đối với lao động nam là đủ 60 tuổi 3 tháng, đủ 55 tuổi 4 tháng với lao động nữ, sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Tuy nhiên với những ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cần được đánh giá, phân loại danh mục chi tiết các ngành nghề để quy định việc giảm tuổi nghỉ hưu đối với người lao động cho phù hợp với thực tiễn sức khoẻ của người lao động và không giảm trừ lương hưu.
Về khoản 4 quy định: “Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 điều này tại thời điểm nghỉ hưu”. Theo đại biểu, không nên quy định “Có thể nghỉ hưu” ở tuổi cao hơn như dự thảo luật, để bảo đảm hài hoà mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động được lựa chọn trong trường hợp kéo dài tuổi về hưu và phù hợp với thực tiễn hiện nay, đại biểu đề nghị sửa lại khoản 3 theo hướng: Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu không quá 05 năm, với điều kiện người lao động có nguyện vọng và được người sử dụng lao động đồng ý.
Về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (quy định từ Điều 172 đến 174), đây là vấn đề mới, nhậy cảm nên đại biểu đồng tình dự thảo chỉ nên quy định nội dung chính có tính nguyên tắc mà Việt Nam đã cam kết trong các hiệp định thương mại tự do. Các nội dung còn lại, Chính phủ cần quy định chi tiết để phù hợp với công tác quản lý nhà nước về những vấn đề mới được quy định trong bộ luật. Các điều 172;173;174 quy định về nguyên tắc và Chính phủ sẽ quy định chi tiết, tuy nhiên việc quy định như dự thảo luật, theo đại biểu cần được cân nhắc thêm như: Tổ chức sau liên kết tổ chức của người lao động gọi là gì?; cách thức hoạt động thế nào?; tư cách pháp nhân?; việc quản lý tài chính, tài sản, công tác thu, chi, việc công khai với người lao động của tổ chức đại diện người lao động ?; khi có các tranh chấp thì quy trình thẩm quyền giải quyết ra sao?; việc quy định biểu tượng của tổ chức đại diện người lao động, vì sẽ có nhiều tổ chức người lao động khác nhau...ở cùng doanh nghiệp và khác doanh nghiệp... Đây là vấn đề liên quan đến hệ thống tổ chức đại diện người lao động, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần xem xét cân nhắc quy định hành lang pháp lý bảo đảm chặt chẽ, vì đây là vấn đề mới chưa có tiền lệ ở Việt Nam.
Đối với Tổ chức đại diện cũng cần làm rõ: Trong trường hợp doanh nghiệp có 3 đến 4 tổ chức đại diện thì tên gọi các tổ chức này cần được quy định cụ thể để phân biệt các tổ chức đại diện?; quy định vận động được bao nhiêu phần trăm người lao động trong doanh nghiệp thì được thành lập tổ chức đại diện?; người lao động gia nhập tổ chức đại diện người lao động gọi là gì? (Công đoàn gọi là đoàn viên công đoàn?; Thanh niên là đoàn viên thanh niên). Đề nghị ban soạn thảo làm rõ để thống nhất trong các quy định của Bộ luật .
Về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân (Điều 190), Khoản 1 quy định: “Thời hiệu yêu cầu Hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà một bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm”.
Dự thảo Bộ luật chưa quy định về việc loại trừ thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động. Điều này đồng nghĩa với việc khi các bên tranh chấp có lý do bất khả kháng như ốm đau, bệnh tật, tai nạn... cũng không được loại trừ khỏi thời hiệu yêu cầu hòa giải như trong tranh chấp dân sự. Bên cạnh đó, Điều 188 Dự thảo Bộ luật quy định thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động là bắt buộc trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án giải quyết. Điều này dẫn đến nguy cơ các bên tranh chấp sẽ mất quyền khởi kiện ra Tòa án sau 06 tháng do không đáp ứng đủ điều kiện hoàn tất thủ tục hòa giải. Đại biểu đề nghị bổ sung vào Dự thảo Bộ luật nội dung “thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện” nhằm đảm bảo thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự về thời hiệu khởi kiện.
Khoản 2 quy định: “Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động. Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà một bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm”. Dự thảo quy định thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, trong khi các tranh chấp dân sự thông thường có thời hiệu khởi kiện là 02 năm. Quan hệ lao động về bản chất cũng là quan hệ dân sự, các bên xác lập quan hệ dựa trên hợp đồng. Quy định thời hiệu khởi kiện chỉ 01 năm sẽ làm hạn chế quyền khởi kiện của các bên trong tranh chấp lao động. Vì vậy, đại biểu đề nghị điều chỉnh thời hiệu khởi kiện tranh chấp lao động là 02 năm để phù hợp với thời hiệu khởi kiện các tranh chấp dân sự được Bộ luật Dân sự quy định.
Về nghỉ lễ, Tết (Điều 112), đại biểu nhất trí cao với phương án 2 của dự thảo Luật đó là bổ sung thêm 1 ngày nghỉ hưởng nguyên lương là ngày "Gia đình Việt Nam 28/6 " hằng năm.