Bán lẻ đón đầu xu hướng mua sắm trực tuyến

09:03, 15/11/2019

Tiện lợi, không mất nhiều thời gian, hưởng nhiều khuyến mại… mua sắm trực tuyến đang là xu hướng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Đây là yếu tố các kênh bán lẻ cần nắm bắt để thay đổi, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng.

Xu hướng tiêu dùng mới

Đón đầu xu hướng bán lẻ thông qua thương mại điện tử, Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), đơn vị sở hữu hai hệ thống bán lẻ là FPT Shop và F.Studio by FPT nhiều năm nay đã đầu tư mạnh vào thương mại điện tử. Kết quả, năm 2018, tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử của công ty đã đạt 21%.

Một đơn vị khác là Tập đoàn Sunhouse, doanh nghiệp thuộc ngành hàng gia dụng, đã đầu tư cho kênh thương mại điện tử từ 2015 với wesite sanhangtot.com. Cùng với việc sở hữu hơn 60 nghìn điểm bán lẻ, Sunhouse đang duy trì mức tăng trưởng kênh thương mại điện tử lên đến 150 - 200%/năm. Đại diện tập đoàn này cũng không giấu tham vọng khi khẳng định sẽ đầu tư mạnh hơn cho chiến lược kinh doanh trên nền tảng online để mảng này có tỷ trọng đóng góp tương xứng trong mục tiêu 5.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2020.

Chia sẻ về xu hướng tiêu dùng mới này, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, với hơn 50% dân số truy cập internet di động, mạng xã hội đang đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá sản phẩm tại Việt Nam.

Ngày nay thói quen của người tiêu dùng đang dần bị thay đổi, mọi người không chỉ đến các cửa hàng để mua đồ vì họ có thể làm điều đó trực tuyến. Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ như đồng hành cùng các thiết bị di động, mạng xã hội và thích nghi với việc mua hàng trực tuyến. Ngoài ra, các nền tảng tìm kiếm và đặt chỗ như dịch vụ giao đồ ăn nhanh cũng như dịch vụ thuê nhà, đặt chỗ khám bệnh, online… có thể giúp các doanh nghiệp sàng lọc, tiếp cận khách hàng tiềm năng và nâng cao sự tiện lợi của khách hàng hiện hữu.

Một nghiên cứu thương mại điện tử của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen trên 30 quốc gia cho thấy, doanh số bán hàng trực tuyến tiêu dùng nhanh đang tăng gấp 5 lần doanh số bán hàng tại các cửa hàng và đến năm 2020, thương mại điện tử của ngành hàng tiêu dùng nhanh toàn cầu sẽ có doanh thu hơn 400 tỷ USD. Doanh số bán hàng từ kênh thương mại điện tử của ngành hàng tiêu dùng nhanh sẽ chiếm 10-12% tổng thị phần của ngành hàng này. Người tiêu dùng trên toàn thế giới đang có nhu cầu cấp thiết về các giải pháp tiện lợi để có thể giúp đơn giản hóa cuộc sống của họ.

Trong nhịp sống ngày càng bận rộn, khả năng kết nối ngày càng tăng của các thiết bị di động đang đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Nhu cầu về sự tiện lợi đã làm phát sinh một loạt các sản phẩm đơn giản hóa cuộc sống, như các giải pháp bữa ăn chế biến sẵn và những bữa ăn nhanh, các dịch vụ giao hàng tận nhà hoặc văn phòng và các dịch vụ giao hàng theo yêu cầu.

Cũng theo Nielsen, nhìn chung, người tiêu dùng Việt nói riêng và ở thị trường châu Á nói chung vẫn thích việc mua sắm tại chỗ hơn là trên trực tuyến, nhưng đây là thị trường tiềm năng để phát triển dựa vào việc cá nhân hoá các trải nghiệm mua hàng cho người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng khu vực thành thị, trung tâm. Tại Việt Nam, gần 50% số người tham gia khảo sát của Nielsen trả lời “đang sử dụng” hoặc “sẵn sàng sử dụng” các nền tảng thương mại điện tử, những dịch vụ tiện ích như giao hàng tận nhà để mua sắm những sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh.

Trong khi đó, số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar cho thấy, doanh số hàng tiêu dùng nhanh trên kênh trực tuyến tăng 20,3% trên toàn cầu trong năm 2018 và chiếm 5,1% tổng doanh số ngành hàng tiêu dùng nhanh. Báo cáo định kỳ ngành hàng tiêu dùng nhanh của Kantar tại Việt Nam cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng kênh trực tuyến đặc biệt nổi trội trong tổng kênh bán lẻ hiện đại. Ước tính thị trường ngành hàng tiêu dùng nhanh trực tuyến tăng trưởng gấp gần bốn lần chỉ số tăng trưởng của thị trường tiêu dùng nhanh truyền thống.

Còn số liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường comScore cho thấy, lượng truy cập vào các trang web bán lẻ ở Việt Nam đạt tới 71% trong tổng số người dùng Internet được khảo sát. Ngành bán lẻ đứng thứ 3 trong số 5 lĩnh vực người dùng Internet ở Việt Nam thường xuyên tìm kiếm.

Doanh nghiệp bán lẻ cần sự chuyển mình

Giai đoạn 2018-2020 được đánh giá là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ quyết liệt hơn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài, giữa các kênh bán hàng hiện đại và kênh bán hàng truyền thống. Do đó, nắm bắt xu hướng tiêu dùng của khách hàng sẽ là giải pháp giúp tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp bán lẻ.

Đánh giá về xu hướng tiêu dùng mới này, ông Vũ Vinh Phú – Chuyên gia bán lẻ cho hay, cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa vào lĩnh vực thương mại bán lẻ và lĩnh vực tiêu dùng xã hội ở các nước. Thực tế cho thấy, ở nhiều doanh nghiệp bán lẻ, bán lẻ trực tuyến đã và đang mang lại doanh thu cao, điển hình như FPT shop, Sunhouse, Adayroi (Vingroup)…

“Sự phát triển của công nghệ áp dụng rộng rãi đã đem lại năng suất lao động cao cho các nhà bán lẻ, đồng thời thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Giai đoạn tới là giai đoạn của bán hàng đa kênh, cả trực tiếp và bán hàng online, đây là điều các doanh nghiệp bán lẻ cần nắm bắt để duy trì sức cạnh tranh”, ông Vũ Vinh Phú nói.

Về phía doanh nghiệp, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, dù triển khai theo phương pháp nào, doanh nghiệp muốn phát triển được rộng khắp thì phải nắm bắt được tâm lý khách hàng. Nói cách khác, áp dụng triệt để xu hướng địa phương hoá, cá nhân hoá thì doanh nghiệp mới có thể tiệm cận được khách hàng thành công.

Đánh giá về vấn đề này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) chia sẻ thêm, dưới tác động của cuộc CMCN 4.0, phương thức phân phối hàng hóa được cải thiện hơn rất nhiều theo hướng hiện đại và tối ưu hóa hơn về mặt thời gian cũng như chi phí. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn chinh phục thị trường vẫn cần có nguồn cung hàng hóa chất lượng hơn, nguồn gốc xuất xứ minh bạch hơn, làm thay đổi cơ cấu mặt hàng cũng như cơ cấu thị trường hàng hóa.