Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi, trong đó đề xuất ba phương án để nhận diện phương tiện kinh doanh và không kinh doanh vận tải, hạn chế tình trạng “xe dù, bến cóc”. Trên cơ sở phân tích của từng phương án, Bộ GTVT lựa chọn phương án 3 (nhận diện phương tiện thông qua màu tem đăng kiểm) là giải pháp tối ưu.
Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho biết: Hiện nay, theo quy định tại khoản 1, Điều 54, Luật GTĐB năm 2008, xe cơ giới có nguồn gốc hợp pháp, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký và BKS.
Việc cấp, thu hồi đăng ký, BKS các loại xe cơ giới có sự phân biệt giữa các chủ thể sở hữu: các cơ quan quản lý Nhà nước (biển xanh), người dân và doanh nghiệp (biển trắng), các đặc khu kinh tế - thương mại, cửa khẩu quốc tế (biển vàng), cơ quan, tổ chức nước ngoài (thông qua các ký tự NG, QT, CV, NN).
Đối với việc kinh doanh vận tải, sau khi đăng ký sở hữu, cấp BKS của từng phương tiện, chủ sở hữu có thể sử dụng để kinh doanh vận tải hoặc sử dụng cho nhu cầu cá nhân. Việc nhận diện phương tiện sử dụng cho mục đích kinh doanh được thực hiện thông qua phù hiệu, biển hiệu gắn ở vị trí dễ quan sát trên kính chắn gió phía bên phải người lái xe theo quy định của Thông tư 63/2014/TT-BGTVT.
Theo đánh giá của một chuyên gia giao thông, các quy định này có bất cập do chưa đưa ra được dấu hiệu nhận biết của phương tiện kinh doanh vận tải hữu hiệu. Quy định về biển hiệu, phù hiệu chưa bảo đảm tính khả thi cao, có thể dễ dàng tháo ra.
Việc nhận diện phương tiện kinh doanh vận tải trở nên khó khăn do doanh nghiệp có thể gắn hoặc không gắn phù hiệu. Người dân không nhận diện được phương tiện kinh doanh vận tải hợp pháp hay không hợp pháp. Người dân sử dụng phương tiện cá nhân vào kinh doanh, gây nên tình trạng lộn xộn trong hoạt độngvận tải; hiện tượng “xe dù, bến cóc” gây mất trật tự an toàn xã hội.
Ngoài ra, tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp đăng ký, chấp hành tốt điều kiện, loại hình kinh doanh vận tải với đơn vị không tuân thủ quy định. Lực lượng chức năng cũng không phân biệt được phương tiện nào kinh doanh, phương tiện nào không, do đó không kiểm tra được sự tuân thủ về các điều kiện kinh doanh cũng như hành vi vi phạm.
Vì thế, lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT) nhấn mạnh, việc đề xuất sửa đổi Luật GTĐB phải bảo đảm mục tiêu nhận biết được phương tiện kinh doanh vận tải hay không kinh doanh, bảo đảm môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, minh bạch, công bằng, bảo đảm thực thi nghiêm minh các quy định về điều kiện và hoạt động kinh doanh vận tải.
Phương án 3 do Bộ GTVT đề xuất, việc nhận diện phương tiện kinh doanh vận tải và không kinh doanh vận tải thông qua màu tem đăng kiểm. Quy định này sẽ được thực hiện theo phương thức: Cơ quan cấp giấy phép kinh doanh vận tải sau khi xem xét thấy doanh nghiệp đủ điều kiện cấp giấy phép, danh sách phương tiện kinh doanh vận tải sẽ được gửi cho cơ quan đăng kiểm để thực hiện thay đổi tem đăng kiểm, làm cơ sở cho việc nhận diện.
Ngoài việc thay đổi màu để nhận diện, tem đăng kiểm có thể dễ dàng in thêm mã QR mà không phát sinh thêm chi phí để hỗ trợ nhận diện phương tiện thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Phương án này giúp phân biệt được giữa xe kinh doanh vận tải và xe cá nhân, từ đó xác định được quyền và nghĩa vụ của chủ phương tiện trong thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm đối với xã hội. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, kiểm soát được nghĩa vụ nộp thuế của các đối tượng kinh doanh vận tải dựa trên quy mô và hình thức kinh doanh.
Thông qua việc nhận diện màu và mã QR của tem đăng kiểm, giúp giảm thời gian kiểm tra giấy tờ, kiểm tra thông tin của phương tiện, xử lý vi phạm hành chính kịp thời, chính xác. Mặt khác, phương án này cũng không làm phát sinh chi phí cho Nhà nước trong việc cấp lại giấy đăng ký và BKS để nhận diện, doanh nghiệp không thể tùy tiện trong việc gắn hoặc không gắn phù hiệu.
Tuy phải liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu về cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và dữ liệu về đăng kiểm để thực hiện thay đổi màu tem đăng kiểm nhưng Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ đánh giá, chi phí này là không đáng kể vì hai hệ thống trên đang tồn tại và có thể kết nối liên thông bất cứ lúc nào nếu có quy định.
Ngoài ra, Bộ cũng nêu phương án 1, nhận biết phương tiện kinh doanh vận tải thông qua các quy định về cấp phù hiệu, biển hiệu như hiện nay.Theo đánh giá, ở phương án này, việc nhận diện sẽ phụ thuộc vào ý thức tuân thủ quy định của doanh nghiệp về gắn phù hiệu, biển hiệu, dẫn đến lực lượng chức năng khó kiểm soát điều kiện kinh doanh, hoạt động vận tải lộn xộn, thiếu minh bạch.
Phương án này cũng gây thất thu cho ngân sách khi không kiểm soát được quy mô, ngành nghề kinh doanh, nghĩa vụ nộp thuế của các đối tượng kinh doanh vận tải không đăng ký, không thực hiện đúng quy định về phù hiệu, biển hiệu. Người dân sẽ gặp rủi ro khi sử dụng dịch vụ kinh doanh vận tải trá hình.
Đối với phương án 2, nhận diện thông qua màu BKS phương tiện ngay từ khi đăng ký sở hữu phương tiện. Với phương án này, Bộ GTVT đánh giá, cá nhân, tổ chức khi đăng ký sở hữu phương tiện đã phải xác định phương tiện đó có được sử dụng vào kinh doanh vận tải hay không. Thông qua việc nhận diện màu BKS, lực lượng chức năng kiểm soát được điều kiện kinh doanh, xử lý vi phạm hành chính kịp thời, chính xác.
“Việc phân biệt màu BKS của phương tiện cho phép áp dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ một cách hiệu quả, bảo đảm mọi hành vi vi phạm đều được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Không những vậy, người dân tránh được rủi ro khi sử dụng đúng các phương tiện được Nhà nước quản lý,” đại diện Vụ Vận tải nhận xét.
Tuy nhiên, phương án này sẽ phải đầu tư kinh phí cho việc kết nối liên thông dữ liệu về đăng ký sở hữu phương tiện và cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Theo ước tính của Bộ GTVT, ước tính sẽ phải mất hơn 100 tỷ đồng cho việc chuyển đổi giấy đăng ký và BKS đối với hơn 700 nghìn phương tiện đang kinh doanh vận tải, gây xáo trộn khá lớn.