Chiều 21-11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thư viện với 91,51% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Luật Thư viên gồm sáu Chương và 52 Điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2020.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Thư viện.
Báo cáo nêu rõ, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp các cơ quan của Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thư viện các nhóm nội dung: mạng lưới thư viện; thành lập thư viện; hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện; quản lý nhà nước về thư viện.
Theo đó, Luật Thư viện quy định tổ chức hoạt động làm quen với sách và hình thành thói quen đọc của trẻ em mầm non.
Về chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện, Điều 5 quy định, Nhà nước đầu tư cho thư viện công lập các nội dung: Ưu tiên đầu tư cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện cấp tỉnh và thư viện có vai trò quan trọng; Hiện đại hóa thư viện; xây dựng thư viện số, tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở; liên thông thư viện trong nước và nước ngoài; Sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học…
Ngoài ra, Nhà nước hỗ trợ đầu tư các nội dung: Cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực thư viện, phát triển văn hóa đọc; Duy trì và phát triển thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng không vì mục tiêu lợi nhuận; Cước vận chuyển tài liệu thư viện phục vụ nhiệm vụ chính trị, khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn…
Kết quả biểu quyết Luật Thư viện.