Ngày 20-11, Bộ Công thương cho biết, dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm sẽ thiếu khoảng 200 nghìn tấn, tính cho ba tháng gần Tết là tháng 11, 12, và tháng 1-2020.
Nguồn cung thiếu chủ yếu do dịch bệnh
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) thông tin, từ tháng 6, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 25 đến 30% so với tháng 9) và hiện đang ở mức khá cao. Nguyên nhân của việc tăng giá do ảnh hưởng của Dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm 2019, đến cuối tháng 6 đã lan rộng, bùng phát trên phạm vi toàn quốc, số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch trong những tháng tiếp theo do dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam chưa được khống chế, chưa có vắc-xin chống dịch đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước (đặc biệt cho giai đoạn từ cuối tháng 9 đến nay).
Bên cạnh đó, việc kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh hạn chế lưu chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương để tránh lây lan dịch bệnh đã gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống cũng giảm nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y,... cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn.
Theo Tổng cục thống kê, đàn lợn cả nước tháng 10-2019 giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng. Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1% . Tuy nhiên, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn, tương đương từ 9 đến 10% so với năm 2018 cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước. Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, số lượng lợn thiếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể lớn hơn số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính do không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh trở lại làm nguồn cung giảm mạnh mà ngay cả các cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín cũng bị dịch bệnh nên cũng làm ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong dịp cuối năm.
Giải pháp để bình ổn thị trường
Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán, ngay từ những tháng đầu năm, Bộ Công thương đã, đang triển khai một số nội dung. Trước hết, đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính một số biện pháp nhằm bình ổn thị trường hàng hóa, trong đó đề nghị: (i) UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các sở, ngành trên địa bàn phối hợp triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thịt lợn, các địa phương có biên giới kiểm soát chặt chẽ việc mua bán thịt lợn qua biên giới, không để ảnh hưởng đến nguồn cung và giá thịt lợn trong nước, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; (ii) Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát hoạt động chăn nuôi, đánh giá chính xác năng lực tái đàn để cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; phối hợp chặt chẽ và kịp thời với Bộ Công thương trong việc bảo đảm nguồn cung thịt lợn nói riêng và thực phẩm nói chung cho thị trường, phục vụ công tác bình ổn thị trường.
Bên cạnh đó, tháng 10-2019, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá chính thức về tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung dịp cuối năm và Tết Nguyên đán đối với mặt hàng thịt lợn để Bộ Công thương có căn cứ điều hành thị trường hợp lý, bảo đảm cân đối cung cầu, thị trường mặt hàng thịt lợn. Bộ Công thương cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đề nghị tập trung triển khai một số nội dung gồm: đánh giá chính thức về tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung, chủ động xây dựng phương án bình ổn thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường truyền thông nhằm khuyến khích người dân tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt lợn và sử dụng thịt lợn đông lạnh thay thế thịt lợn nóng nhằm giảm sức ép cho nguồn cung trong nước...
Để kiểm soát thị trường thịt lợn, lực lượng Quản lý thị trường tại các địa phương đã triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch. Riêng mặt hàng thịt lợn, theo báo cáo của các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn cung mặt hàng thịt lợn giảm khoảng 10% so với năm trước, mặc dù việc giảm nguồn cung thịt lợn đã được bù đắp một phần từ các loại thực phẩm khác như thịt gà, thịt bò và nguồn nhập khẩu tăng nhưng nhìn chung theo tập quán tiêu dùng của người Việt Nam, nhu cầu thịt lợn vào dịp Tết vẫn cao, do đó cân đối cung cầu mặt hàng này từ nay đến Tết Nguyên đán còn nhiều vấn để căng thẳng cần được quan tâm xử lý.
Nhập khẩu để bù nguồn cung thiếu hụt
Tại buổi làm việc giữa Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã thống nhất sơ bộ số liệu cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn các tháng cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 như sau: dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm sẽ thiếu khoảng 200 nghìn tấn, tính cho ba tháng gần Tết là tháng 11, 12, và tháng 1-2020.
Trong cuộc họp ngày 18-11-2019 tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp Bộ Công thương đánh giá đầy đủ, thực chất mức độ thiếu hụt nguồn cung mặt hàng thịt lợn và có kế hoạch tái đàn, đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn cụ thể từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với nước ta để bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung cho thị trường trong nước phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, minh bạch thông tin, bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Hiện nay, theo chức năng nhiệm vụ được giao, việc công nhận thị trường được nhập khẩu thịt lợn và lợn thịt chính thức vào Việt Nam cũng như việc kiểm soát nhập khẩu mặt hàng thịt lợn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam. Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp phân phối thực phẩm, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương nhập khẩu lượng thịt lợn thiếu hụt để bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó Bộ Công thương đề xuất tiếp tục triển khai một số giải pháp cụ thể, bao gồm: Các địa phương, bộ, ban ngành liên quan tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá dịp cuối năm; giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc buôn bán thịt lợn sang nước láng giềng nhằm vừa giữ được nguồn cung cho thị trường trong nước vừa tránh tình trạng lây lan dịch bệnh trong nước. Đề Nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ngành Thú y tạo điều kiện cho các sản phẩm thịt lợn, lợn thịt an toàn lưu thông qua các địa phương để bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho các vùng, miền nhằm hạn chế tình trạng tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường. Các địa phương định hướng cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường việc đưa ra các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn mới (như thịt kho tàu, nhân bánh chưng, chân giò muối,…) được chế biến từ thịt lợn đông lạnh nhập khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường. Ngoài ra, tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả thị trường, tình hình nguồn cung dịch bệnh nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin về thị trường, gây bất ổn thị trường. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền đến người dân về việc sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn và sử dụng sản phẩm thịt lợn đông lạnh thay cho thịt nóng nhằm giảm áp lực cho nguồn cung thị trường trong nước.