40 trường đại học Việt Nam sẽ đóng góp vào việc xây dựng thư viện trực tuyến quốc tế BNEUF, chính thức ra mắt hôm nay tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bởi Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF).
Thư viện trực tuyến BNEUF cung cấp miễn phí hơn 10 triệu tư liệu tham khảo, giáo trình trong nhiều lĩnh vực và bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Kho dữ liệu này sẽ chủ yếu được xây dựng bởi 990 trường đại học thành viên của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) tại 118 quốc gia, trong đó có Việt Nam. 40 trường Đại học Việt Nam vì thế sẽ đóng góp vào việc phát triển nền tảng này. Mỗi nhà xuất bản hay trường đại học sẽ tự đặt ra điều kiện truy cập riêng cho những tài liệu mà mình đưa vào thư viện.
«Thư viện BNEUF cho phép trường chúng tôi quảng bá năng lực của bản thân trên trường quốc tế đồng thời tiếp cận kho tàng kiến thức và kinh nghiệm từ khắp nơi trên thế giới», ông Etienne Saur, Hiệu trưởng chính của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) nhận định.
Nền tảng này còn mang lại khả năng kết nối với mạng lưới 18.000 chuyên gia trên nhiều lĩnh vực. Con số này còn tiếp tục được nhân lên nhờ vào các chuyên gia từ các trường thành viên của AUF. «Đã từ lâu, chúng tôi đặt quốc tế hóa làm trọng tâm của chiến lược phát triển. Nhờ vào thư viện BNEUF, chúng tôi sẽ có thể mở rộng mạng lưới các đối tác toàn cầu, qua đó, cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu», ông Etienne Saur nhấn mạnh.
Thư viện BNEUF nằm trong khuôn khổ 4 chương trình hành động IDNEUF (Sáng kiến phát triển công nghệ số trong không gian đại học Pháp ngữ) được các bộ trưởng Pháp ngữ tin tưởng giao cho AUF triển khai trong nhiệm kỳ đầu tiên. Sáng kiến này được thống nhất đưa ra bởi các bộ trưởng giáo dục các nước nói tiếng Pháp trong cuộc họp lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2015 tại Paris nhằm tìm ra giải pháp cho các thách thức hiện nay của giáo dục đại học, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển.
«Các cơ sở giáo dục đại học hiện nay đang phải đối mặt với sự bùng nổ số lượng sinh viên có nguồn gốc và văn hoá ngày càng đa dạng, thuộc các bậc trình độ và lĩnh vực chuyên môn ngày càng khác biệt. Theo dự báo, số lượng sinh viên đại học sẽ tăng từ 15 triệu lên 30 triệu vào năm 2030. Không một quốc gia nào có khả năng tăng gấp đôi cơ sở hạ tầng để giải quyết vấn đề đại chúng hóa giáo dục đại học này. Trong bối cảnh đó, các công cụ số trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết nhờ khả năng đáp ứng nhu cầu của số lượng lớn người dùng đồng thời vẫn đảm bảo được yếu tố cá nhân hóa trong việc tiếp cận tri thức. Năng lực đổi mới trong lĩnh vực này là rất lớn. Do đó, những kinh nghiệm và tri thức cần được chia sẻ rộng rãi.», ông Abdelkader Zighed, Giám đốc công nghệ số của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), chia sẻ về sứ mệnh ra đời của BNEUF.
Cũng trong khuôn khổ của Chương trình hành động IDNEUF, bên cạnh BNEUF, cùng với các trường đối tác, AUF còn triển khai các Không gian số Pháp ngữ (CNEUF), trong đó có FabLab - một công xưởng nhỏ tập trung vào lĩnh vực chế tác số, là nơi hội tụ của các cá nhân yêu thích sáng chế để biến những ý tưởng của mình thành hiện thực.
Không gian Fablab tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Tại Việt Nam, mô hình Fablab đã vươn tới nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy vậy, số lượng các FabLab trong trường đại học chưa có nhiều. Và USTH, nơi diễn ra buổi họp báo cũng là một trong số ít các trường đại học ở Việt Nam mở FabLab dành cho sinh viên./.