Dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020, các chuyên gia nhận định: Những điểm tắc nghẽn về đầu tư công trong năm 2019 sẽ được giải quyết, qua đó vốn sẽ được giải ngân nhiều hơn. Điều này sẽ là động lực thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng cao…
Năm 2019, kinh tế Việt Nam tiếp tục đã tăng trưởng tích cực: GDP tăng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra (từ 6,6% - 6,8%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD; số doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục, với 138,1 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 12.5 tỷ đồng, cao nhất trong những năm gần đây… Đây được coi là nền tảng tốt và hiệu quả cho bức tranh kinh tế đầy lạc quan trong năm 2020.
Năm 2020, mặc dù vẫn còn nhiều dự báo về những tiềm ẩn khó khăn, thách thức đối với đất nước, nhưng nhìn về triển vọng, hầu hết các chuyên gia đều đánh giá, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục sáng hơn. Đáng chú ý, từ góc độ thể chế, năm 2020 có cơ sở để hy vọng về một thời kỳ mới của nền kinh tế Việt Nam.
Bức tranh kinh tế Việt Nam 2019 nhiều gam màu sáng
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019, GDP Việt Nam tăng 7,02%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7%, dù nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn trong và ngoài nước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,9%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%.
Về cơ cấu kinh tế năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,96% GDP. Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; dịch vụ chiếm 41,64%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91% (cơ cấu tương ứng của năm 2018 là: 14,68%; 34,23%; 41,12%; 9,97%).
Năm 2019, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm trước; nhập khẩu đạt 253,51 tỷ USD, tăng 7%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 516,96 tỷ USD.
Cả nước có 138.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1,73 triệu tỷ đồng, tăng 5,2% về số doanh nghiệp và tăng 17,1% về vốn đăng ký. Bên cạnh đó, còn có 39.400 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và 43.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể.
Theo cơ quan thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 1,4% so với tháng trước. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 3,42% do dịch tả lợn châu Phi làm nguồn cung thịt lợn giảm, giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn, thay thế thịt lợn tăng.
Tuy nhiên, CPI bình quân năm 2019 được kiểm soát, tăng ở mức thấp. Cụ thể, bình quân năm 2019, CPI chỉ tăng 2,79% so với bình quân năm 2018, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. Đây cũng là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua.
Cả nước có 54,7 triệu người lao động trên 15 tuổi có việc làm, bao gồm 19 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,1 triệu người; khu vực dịch vụ 19,6 triệu người.
Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước năm 2019 là 1,98%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp chung khu vực thành thị là 2,93%; khu vực nông thôn là 1,51%. Nhìn chung, tình hình lao động, việc làm năm 2019 của cả nước có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm, thu nhập của người lao động làm công hưởng lương có xu hướng tăng.
Dự báo triển vọng sáng của nền kinh tế 2020
Tuy Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức tiềm ần, nhưng nền kinh tế vẫn tiếp tục sáng hơn và tăng trưởng khá trong năm 2020.
Theo đó, dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020, các chuyên gia nhận định, những điểm tắc nghẽn về đầu tư công trong năm 2019 sẽ được giải quyết, qua đó vốn sẽ được giải ngân nhiều hơn. Điều này sẽ là động lực thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng cao…
Năm 2020 được coi là năm bản lề của kinh tế - xã hội Việt Nam, mốc thời gian có ý nghĩa lớn với hệ thống ngân hàng và cũng là năm quan trọng của thị trường chứng khoán. Cụ thể, đánh dấu mốc 2 năm thị trường chứng khoán hoạt động theo đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, yêu cầu quy mô thị trường chứng khoán phải tăng cả về chất và lượng để trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, năm 2020 cũng được xem là mốc thời gian có ý nghĩa lớn đối với ngành Ngân hàng khi hệ thống ngân hàng phải kết thúc giai đoạn tái cơ cấu xử lý nợ xấu; 100% ngân hàng thương mại cổ phần phải hoàn thành thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch chính thức trên thị trường chứng khoán để chuẩn bị vào cuộc đua mới, những mục tiêu xa hơn.
Ngoài ra, thị trường bất động sản Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhà đầu tư trong nước và quốc tế thông qua một loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập.
Các lĩnh vực đang được coi là mới nổi, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân như hàng không, du lịch, năng lượng tái tạo và giáo dục - đào tạo thì năm 2020 là năm bước vào giai đoạn mới, cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi những bước đi vững chắc nhưng cũng không kém phần mạo hiểm.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng đầy lạc quan khi Chính phủ triển khai lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết số 02/NQ – CP (2020) về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo các doanh nghiệp, động thái này cho thấy một thông điệp rất rõ ràng của Chính phủ trong việc quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp vững bước vào năm 2020.
Đáng chú ý, khu vực kinh tế tư nhân đã và đang trở thành trung tâm của cải cách. Ngoài việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP; Nghị quyết số 35/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững... cùng nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp về khoa học công nghệ, thị trường, nguồn nhân lực... Với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước cũng như sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của chính cộng đồng doanh nghiệp, sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực doanh nghiệp tư nhân đã, đang và sẽ ngày càng phát huy, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia./.