Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, thành phố đã triển khai 5 máy đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh và quá cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhất là những hành khách đến từ vùng đang có dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút mới coronavirus tại Trung Quốc.
Những trường hợp bị sốt đều được điều tra dịch tễ để không bị lọt, bỏ sót. Những người có tiền sử đi từ vùng có dịch về sẽ được cách ly, theo dõi chặt. Trung tâm tổ chức thường trực 24/24, có đội phản ứng nhanh để xử lý nếu có trường hợp nghi ngờ. Đồng thời, giám sát chặt hơn tất cả trường hợp viêm phổi nặng do vi rút tại cơ sở y tế. Những trường hợp nghi ngờ sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm sớm.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của các trường hợp viêm phổi cấp do chủng vi rút mới coronavirus tại Trung Quốc, Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp để phòng chống bệnh này đối với người dân và cộng đồng gồm: Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi; Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã; Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Cơ quan Đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của Bộ Y tế tổng hợp từ các nguồn tin cho biết, tính đến ngày 10/01/2020, tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã ghi nhận 59 trường hợp mắc viêm phổi cấp, trong đó có 01 trường hợp tử vong. Các trường hợp mắc đều ở thành phố Vũ Hán, chưa có bằng chứng rõ ràng lây truyền từ người sang người, chưa ghi nhận trường hợp nhân viên y tế bị mắc bệnh.
Trường hợp tử vong đầu tiên là một đàn ông 61 tuổi, thường xuyên đến mua hàng tại chợ Huanan ở Vũ Hán (nơi có nhiều trường hợp mắc bệnh được ghi nhận) và có tiền sử bị u ổ bụng và bệnh gan mạn tính. Kết quả xét nghiệm cho thấy đã có 41 trường hợp dương tính với chủng vi rút mới của coronavirus (bao gồm cả trường hợp tử vong).
Hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nghi ngờ mắc bệnh nói trên. Trước tình hình diễn biến phức tạp của các trường hợp viêm phổi cấp do chủng vi rút mới coronavirus tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), Bộ Y tế liên tục tổ chức các cuộc họp thảo luận đánh giá về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch. Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh xâm nhập và sẵn sàng thu dung, điều trị, quản lý ca bệnh khi phát hiện trường hợp bệnh đầu tiên (nếu có).
Trước đó, ngày 9/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông tin về nguyên nhân ban đầu của các trường hợp viêm phổi cấp tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Theo đó, WHO cho biết chính quyền Trung Quốc đã xác định chủng vi rút mới thuộc họ coronavirus từ một bệnh nhân viêm phổi cấp nhâp viện tại thành phố Vũ Hán. Coronavirus là một họ lớn của vi rút có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng như các trường hợp cảm lạnh thông thường hoặc các trường hợp bệnh MERS và SARS. Một số chủng có thể lây truyền dễ dàng từ người sang người, trong khi đó một số chủng khác thì không.
Theo chính quyền Trung Quốc, vi rút ở trường hợp này tại thành phố Vũ Hán có thể gây bệnh nặng ở một số bệnh nhân và chưa dễ dàng lây truyền từ người sang người.
Trong thời gian tới, thông tin về bệnh dịch cần được xác định một cách toàn diện về dịch tễ học và bệnh cảnh lâm sàng. Các cuộc điều tra tiếp tục được thực hiện để xác định nguồn lây, đường lây truyền và các biện pháp phòng chống. WHO tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc và các đối tác để điều tra và đáp ứng với vụ dịch.
Theo WHO, việc xác định nguyên nhân ban đầu về chủng vi rút mới sẽ giúp các quốc gia khác trong việc chuẩn bị, phát hiện và đáp ứng với sự kiện. WHO không khuyến cáo bất kỳ hình thức nào nhằm hạn chế việc đi lại, thương mại đến các khu vực tại Trung Quốc./.