Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi thói quen sử dụng bia, rượu vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, ngay từ đầu tháng 1-2020, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trên cả nước đã triển khai quyết liệt việc xử lý các đối tượng vi phạm.
Kiên quyết xử lý với tinh thần "không có ngoại lệ"
Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), trong một tuần ra quân xử phạt người vi phạm giao thông theo Nghị định 100/2019/NÐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ (Nghị định 100) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 3.785 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 12,5 tỷ đồng.
Trong đó, một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Tây Ninh 308 trường hợp, Ðắk Lắk 214 trường hợp, Bắc Giang 203 trường hợp, TP Hồ Chí Minh 182 trường hợp, Vĩnh Phúc 145 trường hợp, Quảng Ninh 135 trường hợp, Gia Lai 133 trường hợp, Hà Nội 129 trường hợp, Thanh Hóa 114 trường hợp, Hà Tĩnh 101 trường hợp, Ðồng Nai 99 trường hợp, Cà Mau và Nghệ An 96 trường hợp, Trà Vinh 93 trường hợp, Bình Phước 89 trường hợp và Yên Bái 86 trường hợp… Kết quả ban đầu cho thấy, mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng đã đẩy mạnh tuyên truyền về mức xử phạt mới đối với người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhưng vẫn còn nhiều người cố tình vi phạm.
Ghi nhận tại TP Hà Nội cho thấy, trong quá trình xử lý vi phạm, do ảnh hưởng của rượu, bia, người tham gia giao thông trở nên mất kiểm soát, điều khiển phương tiện không như bình thường. Cá biệt có trường hợp mượn bia, rượu để từ chối làm việc với lực lượng chức năng. Như trường hợp ông L.H.H (SN 1953, trú tại Hà Nội), tối 2-1, trong khi điều khiển xe máy tại ngã tư đường Xuân Thủy - Cầu Giấy thì gặp Tổ công tác Ðội CSGT số 6, Công an TP Hà Nội và được yêu cầu đo nồng độ cồn.
Ông H cho biết có uống hai cốc bia nhưng không chịu thổi vào thiết bị đo chuyên dụng, còn đe dọa sẽ đốt xe, đồng thời mạo nhận mình công tác tại Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Khoảng hai giờ sau, ông H mới chịu nhận vi phạm và ký vào biên bản. Hay như trường hợp của N.V.T (SN 1972), vào khoảng 20 giờ 45 phút ngày 3-1, tại khu vực Ðiện Biên Phủ - Lê Duẩn (quận Ba Ðình), Tổ công tác Y10/141 Công an TP Hà Nội phát hiện T điều khiển xe máy BS 29C1-709.12 có biểu hiện say rượu. Khi được yêu cầu thổi đo nồng độ cồn, T cho rằng mình không vi phạm, bỏ lại phương tiện, đi khỏi chốt công tác. Thiếu tá Ngô Duy Quang, Ðội phó Ðội CSGT số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, trong quá trình cảnh sát thực thi nhiệm vụ, thường không tránh khỏi người vi phạm có thái độ bất hợp tác, thậm chí là lợi dụng các mối quan hệ để gọi điện cho người thân nhờ can thiệp.
Ðiển hình vào tối 6-1, Tổ công tác của Ðội CSGT số 1 tuần tra đến phố Lý Thường Kiệt, phát hiện một người đàn ông trung niên có nghi vấn sử dụng rượu, bia cho nên đã yêu cầu dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn. Người đàn ông này lập tức thừa nhận "Tôi vừa đi nhậu về có uống hai chai bia nhưng vẫn bảo đảm đi đúng luật, vẫn dừng đèn đỏ bình thường. Một tháng tôi chỉ uống bia vài lần". Kết quả, tài xế này vi phạm nồng độ cồn 0,627 miligam/lít khí thở. Cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, khi tổ công tác chuẩn bị lập biên bản, ông H. liền trình bày "cho tôi xin một hai phút gọi điện thoại cho người thân" và nhờ các chiến sĩ CSGT "nghe máy nói chuyện mấy câu". Tuy nhiên, chiến sĩ này cương quyết không nghe và nói "Giám đốc Công an TP Hà Nội yêu cầu CSGT ra đường không nghe điện thoại". Tinh thần xử lý vụ việc vi phạm "không có ngoại lệ" nêu trên cũng là tôn chỉ đối với lực lượng CSGT thành phố Hà Nội nói riêng và CSGT cả nước nói chung đối với việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Theo Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội, đối với những trường hợp vi phạm không hợp tác, các chiến sĩ CSGT đều chấp hành nghiêm quy định của ngành, bình tĩnh giải thích, khuyên nhủ người tham gia giao thông nhận thức được hành vi vi phạm của mình để hợp tác với lực lượng chức năng giải quyết. Tuy nhiên, trường hợp cố tình chống đối, lực lượng sẽ sử dụng biện pháp mạnh hơn để thực thi quy định pháp luật. Cụ thể, cán bộ, chiến sĩ CSGT sau khi khuyên nhủ không thành sẽ liên lạc để có sự phối hợp của lực lượng Cảnh sát 113, công an địa phương cương quyết cưỡng chế, yêu cầu người vi phạm chấp hành theo đúng quy định pháp luật.
Không cần lo lắng bị "phạt oan"
Kể từ khi CSGT xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo Nghị định 100, nhiều người dân bày tỏ lo ngại việc ăn hoa quả, uống si-rô làm tăng nồng độ cồn có thể dẫn tới bị "phạt oan". Về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, đối với việc sử dụng hoa quả hoặc uống si-rô, Cục CSGT đã tổ chức hơn 150 lần lấy mẫu test đều cho ra kết quả không làm tăng nồng độ cồn. Theo đó, nếu đo nồng độ cồn ngay sau khi ăn hoa quả hoặc uống si-rô, kết quả có thể cho lên tới 0,6 mg/lít khí thở, thậm chí hơn 1 mg/lít khí thở.
Tuy nhiên, chỉ sau khoảng từ hai đến năm phút, nồng độ cồn sẽ không còn. Về băn khoăn của người dân liên quan độ chính xác của máy đo nồng độ cồn, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật thông tin thêm, không có sai số trong việc đo nồng độ cồn. Các máy đo nồng độ cồn đều được kiểm định hằng năm. Máy đo nồng độ cồn trong hơi thở là thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác của lực lượng CSGT thuộc danh mục kiểm định theo quy định tại Thông tư 07/2019/TT-BKHCN ngày 26-7-2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Các thiết bị đưa ra kiểm tra đều được kiểm định chính xác. Nhấn mạnh điều này, Trung tướng Vũ Ðỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT khẳng định: Không có chuyện ăn hoa quả hay uống si-rô mà bị xử phạt. Cục CSGT đã quán triệt tới các đơn vị chức năng nếu tài xế trình bày mình vừa ăn hoa quả hoặc uống si-rô thì sẽ cho họ uống nước hoặc 5 phút sau thổi lại.
Nếu kết quả thông báo không có nồng độ cồn thì không xử lý, ngược lại nếu chính xác có nồng độ cồn thì phải xử lý theo quy định. Ðối với một số ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc dễ xảy ra tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn, Trung tướng Vũ Ðỗ Anh Dũng cũng khẳng định, ngành công an nói chung và CSGT nói riêng có nhiều biện pháp phòng ngừa chống tham nhũng. Trong quy chế dân chủ mới ban hành, người dân được quay, giám sát CSGT làm nhiệm vụ. Hơn nữa, đối với kiểm tra nồng độ cồn đều có tổ công tác đủ lực lượng và hoạt động này được ca-mê-ra quay lại cho nên khó có thể xảy ra tiêu cực.
Ðồng chí Cục trưởng Cục CSGT cũng dẫn chứng ở nhiều nước trên thế giới đã áp dụng xử phạt triệt để đối với vi phạm về nồng độ cồn và cho rằng đây là quy định rất tiến bộ, văn minh. Tuy nhiên, để góp phần đưa Luật cũng như Nghị định vào cuộc sống cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, sự ủng hộ của người dân; sự vào cuộc của các cơ quan thông tin đại chúng để người dân nắm vững và thực hiện nghiêm túc.