Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã có hiệu lực được sáu ngày. Quy định “nồng độ bằng 0” của Luật đang tạo ra những dư luận trái chiều khi nhiều ý kiến cho rằng, một số thực phẩm và thuốc uống có thể tạo ra dương tính giả với nồng độ cồn. Từ đó, dẫn đến những phản đối cho rằng quy định của luật quá chặt. Tuy nhiên, đại diện cơ quan soạn thảo Luật khẳng định, người dân không nên lo ngại về điều này mà làm nhẹ đi mục tiêu tốt đẹp của Luật đối với sức khỏe con người.
ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá những quy định chặt chẽ trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia của Việt Nam là một điểm sáng trên thế giới. Đặc biệt, điểm tiến bộ của Luật là quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Trước thực tế việc sử dụng một số thực phẩm có đường dễ lên men hoặc các sản phẩm trái cây như nho, sầu riêng… dễ tạo hàm lượng cồn nhất định cho người sử dụng, bà Trang cho rằng, nồng độ cồn tự nhiên trong những thực phẩm này thấp, không đáng kể. Tuỳ thuộc vào lượng sử dụng, thời điểm đo độ cồn và cũng suy giảm, đào thải rất nhanh. Thông thường sau khi ăn mọi người chỉ cần uống nước lọc, xúc miệng và sau khoảng 15-30 phút thì sẽ không còn nồng độ cồn. Không phải cứ ăn xong ra đường là cảnh sát chặn lại thổi phạt. Về một số thông tin ăn ba quả vải có độ cồn trong khí thở là 0,22mg/l, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định, cần phải xem lại vì nếu theo công thức như trên thì ba quả vải lại có lượng cồn bằng gần hai chai bia?
“Quy định không có nồng độ cồn khi lưu hành phương tiện giao thông không phải là vấn đề mới vì quy định người lái ô-tô không được có nồng độ cồn trong máu và khí thở đã có từ Luật Giao thông đường bộ năm 2009 và đến nay thực hiện vẫn bình thường, chưa có phản ánh nào về việc cảnh sát phạt lái xe có độ cồn do ăn các loại thực phẩm này”, bà Trang nhấn mạnh.
Khi xây dựng Luật, cơ quan soạn thảo đã tính đến điều này và khi triển khai thực tế, đơn vị cũng phổ biến những kiến thức khoa học cho cả người dân và lực lượng chức năng để có thể xử lý các tình huống cho phù hợp.
Theo cơ quan soạn thảo luật này, việc dừng xe kiểm tra độ cồn chỉ xảy ra khi bạn có dấu hiệu vi phạm như mặt đỏ gay, đi loạng choáng, phóng nhanh, vượt ẩu, khi có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được phê duyệt hoặc khi bạn phạm một lỗi khác mà cảnh sát nghi ngờ bạn có uống rượu, bia. “Việc ăn hoa quả, thực phẩm cũng không tỏa ra hơi cồn như sử dụng rượu bia dù đứng gần nên cũng khó biết được. Mọi người còn có quyền giải trình, khiếu nại theo Luật xử lý vi phạm hành chính. Do đó, mọi người không nên lo ngại”, bà Trang nói.
Theo bà Trang, việc dung nạp, chuyển hoá và đào thải chất cồn trong rượu bia của cơ thể không có mức chung tuyệt đối cho mọi người mà phụ thuộc số lượng rượu, bia uống ít hay nhiều, trọng lượng cơ thể và các điểm sinh học, chức năng gan, tình trạng sức khoẻ, uống lúc no hay đói, tần xuất, cách thức uống (cấp tập hay nhâm nhi)...
"Nam giới khỏe mạnh không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ giới khỏe mạnh không uống quá một đơn vị cồn một ngày và không quá 5 ngày/tuần. Bởi vì không ai trả lời được chính xác sau uống bao lâu có thể lái xe. Các công thức tính nồng độ cồn trong máu chỉ có giá trị tham khảo để một người có thể quyết định uống hay không, tự điều chỉnh lượng bia rượu khi uống, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc, đặc biệt là cân nhắc khi điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống. Khi bình thường xảy ra va chạm người lái xe có thể bình tĩnh để xử lý tình huống, nhưng khi có men rượu có những trường hợp họ lại dễ hưng phấn, bốc đồng, phóng nhanh, vượt ẩu hoặc không đủ tỉnh táo để xử lý các tình huống bất ngờ nên dễ gây tai nạn giao thông", bà Trang nói.
Về một số ý kiến cho rằng mức xử phạt người tham gia giao thông uống rượu bia hiện khá cao, bà Trang cho biết, mức phạt ở Việt Nam vẫn tương đối nhẹ nếu so với một số nước trên thế giới. Tại Mỹ, số tiền phạt uống rượu bia khi lái xe trung bình mất 300 - 500 USD cho vi phạm lần đầu. Nếu tái phạm mức phạt sẽ tăng lên ở mức 1.000 USD. Bên cạnh đó, người vi phạm sẽ phải tự trả phí cho việc xét nghiệm nồng độ cồn từ 500 - 1.000 USD. Tiếp theo, người bị xử phạt còn phải chịu các chi phí kèm theo như tiền kéo xe về sở cảnh sát, tiền trông xe, tiền hầu tòa, tiền học lại luật giao thông, bắt buộc mua thiết bị giám sát nồng độ cồn gắn theo xe... Ở một số bang như Ohio, Mỹ, người vi phạm sẽ phải ngồi tù, tái phạm nhiều lần có thể bị coi là tội phạm, bị tước quyền công dân…
Do đó, bà Trang bày tỏ “Mọi người không nên chỉ tập trung vào việc làm sao để uống và không bị xử phạt mà quên và làm nhẹ đi những mục tiêu tốt đẹp của Luật là cảnh báo tác hại của rượu bia và giảm sử dụng rượu bia để giảm bệnh tật, tử vong và hệ lụy xã hội, kinh tế do rượu, bia gây ra, nâng cao ý thức của mọi người để sử dụng rượu bia một cách văn minh, ít nguy cơ nhất”.