Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS – KHHGĐ cho biết, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục diễn ranghiêm trọng, thì đến năm 2050, ít nhất Việt Nam sẽ dư thừa ít nhất 2,3 triệu và cao nhất là 4,3 triệu đàn ông không có khả năng kết hôn.
Nâng cao vị thế phụ nữ giúp giảm cân bằng giới tính khi sinh
Bà Đỗ Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền Thông - Giáo dục cho biết, hiện nay mức sinh giữa các vùng có chênh lệch khá lớn, tạo nguy cơ tăng khoảng cách phát triển giữa các vùng và khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư. Xu thế mức sinh giảm xuống quá thấp đã xuất hiện ở nhiều khu vực. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Lợi thế dân số vàng chưa được tận dụng tốt. Già hóa dân số diễn ra với tốc độ mau lẹ, song các giải pháp thích ứng chưa được triển khai. Chất lượng dân số còn nhiều hạn chế. Quản lý dân cư phân tán, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội hiện đại.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và rất nghiêm trọng. Tại Việt Nam, việc mất cân bằng giới tính khi sinh muộn hơn so với nhiều nước vào năm 2006 với tỷ số là 109 bé trai/100 bé gái. Mặc dù xuất hiện muộn, nhưng tình trạng này tại Việt Nam tăng rất nhanh, đến năm 2013 đã có 113 bé trai/bé gái và đến 2018 có 114,5 bé trai/100 bé gái. Vừa qua, tỷ lệ này giảm xuống 111/100, nhưng vẫn là mức cao. “Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, đến năm 2050, ít nhất chúng ta sẽ dư thừa 2,3 triệu và cao nhất là 4,3 triệu đàn ông không có khả năng kết hôn”, ông Tân cho hay.
Để giải quyết tình trạng này, để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, ông Tân cho rằng, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền vận động làm thay đổi giá trị về bình đẳng giới. Ông cho hay “Chúng ta phải làm thế nào coi con trai cũng như con gái, coi phụ nữ cũng như đàn ông trong mọi mặt xã hội để không lựa chọn giới tính khi sinh. Hiện nay lựa chọn đứa con trai để nối dõi tông đường, nhưng chính những đứa con trai sau này lại khó thực hiện được khả năng nối dõi tông đường vì không có phụ nữ để kết hôn. Chúng ta phải làm thay đổi giá trị văn hóa có tính cổ truyền là coi trọng con trai, đàn ông và giao cho đàn ông nhiệm vụ hương khói mà không giao cho con gái”.
Những kỹ thuật công nghệ cao phát hiện sớm giới tính trong thai nhi với những test ở ngay tuần 1-2 của thai kỳ đang khiến cho tình trạng loại bỏ thai nhi gái, chọn giới tính thai nhi nam ngày càng tăng. “Chúng ta cần ngăn việc nhập khẩu công nghệ chỉ nhằm mục tiêu xác định giới tính thai nhi”, ông Tân nhấn mạnh.
Giải pháp lâu dài ông Tân cho rằng, xã hội cần phải cần nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, làm giá trị bình đẳng giới ngày càng cao. Ông Tân dẫn chứng, Hàn Quốc là một trong 15 mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng họ đã kéo được tỷ số về cân bằng. “Khi hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc, họ trả lời có thể do họ thực hiện tốt việc nâng cao vị thế phụ nữ nên phụ nữ chủ động tài chính hơn, có quyền quyết định cuộc đời mình, từ đó thay đổi việc sinh đẻ tự nhiên, không lựa chọn giới tính”, ông Tân cho hay.
Giảm khoảng cách giàu nghèo bằng chính sách sinh con hợp lý
Xu thế giảm sinh quá mức tại một số vùng miền đang là bài toán đau đầu với các nhà làm công tác dân số. Hiện có hai vùng chiếm tới 40% dân số là vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long giảm sinh trên diện rộng. Nếu năm 2009 chỉ có 5 tỉnh tại khu vực này giảm sinh thì hiện nay đã lan rộng ra 21 tỉnh, thành phố. Đông Nam bộ hiện có tỷ lệ 1,63 con và TP Hồ Chí Minh là 1,45 con. Trong khi đó, khu vực khó khăn như miền núi và trung du phía bắc có 2,69 con, Lai Châu 3,11 con.
Bên cạnh đó, chênh lệch mức sinh giữa các khu vực, các nhóm đối tượng đang ngày càng lớn. Nhóm nghèo nhất hiện có mức sinh 4,2 con. Các tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội thì mức sinh thấp hơn so với những địa bàn còn khó khăn. Điều này làm kéo thêm khoảng cách về giàu nghèo giữa các nhóm đối tượng và các địa phương.
“Nếu tiếp tục giảm sinh mạnh, cùng tác động của phát triển kinh tế xã hội và du nhập các giá trị văn hóa mới từ các nước phát triển thì mức sinh giảm xuống, đặt chúng ta trước triển vọng dài hạn là dẫn đến suy giảm dân số, làm dân số già hóa nhanh hơn, thiếu hụt lao động trong tương lai, thậm chí liên quan đến sự tồn vong đất nước của dân tộc”, ông Tân cảnh báo.
Cũng theo ông Tân, Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng, nhưng cần phải đầu tư về giáo dục, sức khỏe, về nhiều mặt khác để nâng cao sức khỏe, trình độ, kỹ năng tay nghề tham gia vào thị trường lao động mới mang lại giá trị lao động để chúng ta cất cánh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình như một số nước khác.
Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ có hơn 22% người từ 65 tuổi trở lên, sẽ trở thành nước siêu già. Chúng ta sẽ rơi vào thách thức thiếu hụt lao động, tạo gánh nặng cho BHXH. “Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi rất tốn kém, gấp tám lần chăm sóc sức khỏe cho một đứa trẻ. Khi tỷ trọng tăng lên, chi phí y tế sẽ tăng lên”, ông Tân cho hay. Nhưng thách thức này cũng là cơ hội để Việt Nam phát sinh ngành kinh doanh mới, sản xuất sản phẩm hàng hóa dịch vụ phục vụ người cao tuổi, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.