Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, tại Bắc Kạn đã liên tiếp phát hiện các ổ dịch cúm với hàng trăm người bị mắc. Trong đó, một ổ dịch đã được xác định là chủng cúm A/H1N1 là dịch dễ lây lan nhanh, đặc biệt trong mùa đông. Bắc Kạn đang khẩn trương triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch.
Ổ dịch cúm được phát hiện đầu tiên tại huyện Ngân Sơn vào ngày 11-1. Cụ thể, tại Trường THCS Bằng Vân, xã Bằng Vân đã có 45 em mắc các triệu chứng như nhức đầu, sổ mũi. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Kạn đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Đây là lần thứ hai trong vòng hơn bảy tháng qua, huyện Ngân Sơn xuất hiện ổ dịch cúm ở trường học.
Trước đó, vào tháng 5-2019, tại Trường PTDT nội trú huyện Ngân Sơn có 114 học sinh và ba giáo viên bị mắc cúm với các triệu chứng sốt, đau đầu, sổ mũi. Kết quả xét nghiệm bảy mẫu bệnh phẩm của học sinh Trường PTDT nội trú huyện Ngân Sơn cho thấy, đây là bệnh cúm thông thường do thời tiết giao mùa, lây qua đường hô hấp.
Ổ dịch thứ hai được phát hiện từ ngày 13-1 tại huyện Na Rì. Theo đó, ngày 8-1, có ba người trong một hộ dân ở khu Phố A, thị trấn Yến Lạc đến khám, biểu hiện sốt, ho, đau họng, nhức đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi. Mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm cho kết quả dương tính với cúm A/H1N1. Từ ngày 8 đến 13-1, tại Trường PTDT nội trú huyện, 86 học sinh có các triệu chứng như trên. Trước việc liên tiếp xuất hiện các ổ dịch cúm, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương tiến hành các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, hướng dẫn nhân dân phòng tránh dịch.
Tại huyện Ngân Sơn, Trung tâm Y tế huyện đã phun khử trùng, lau toàn bộ sàn, bàn ghế học sinh; điều trị cách ly các trường hợp nhẹ tại phòng y tế của nhà trường; đối với trường hợp sốt cao thì chuyển lên Trung tâm Y tế huyện điều trị. Huyện đã chỉ đạo UBND các xã kiểm tra ở địa phương có học sinh mắc sốt báo cáo ngành chức năng kịp thời; các trường phối hợp với y bác sĩ làm tốt công tác phòng, chống dịch; theo dõi, giám sát học sinh bán trú bị mắc bệnh, hướng dẫn học sinh thực hiện vệ sinh cá nhân tốt; chuẩn bị đầy đủ vật tư phục vụ cho công tác phòng chống, dập dịch kịp thời, hiệu quả.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Na Rì Tô Viết Hoan cho biết, khu vực nơi có bệnh nhân dương tính đã được cách ly, phun hóa chất khử trùng tiêu độc, thực hiện khoanh vùng, dập dịch, phòng ngừa sự lây lan của dịch trong cộng đồng. Trung tâm giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời, khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thuốc, hóa chất, nhân lực, đáp ứng kịp thời công tác cấp cứu, điều trị và phòng bệnh. Sau khi được điều trị tích cực, đến ngày 14-1 hai bệnh nhân đã được xuất viện, những người còn lại sức khỏe đã ổn định.
Trong khi đó, Phó hiệu trưởng Trường PTDT nội trú Na Rì Nông Thị Huế cho biết, cán bộ y tế của trường đã tích cực điều trị, hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân, cách ly để theo dõi. Đến nay 39 em đã khỏi, các em còn lại đang được tích cực điều trị tại trường. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Kạn đã trực tiếp giám sát, chỉ đạo thực hiện phun hóa chất Cloramin B toàn bộ khu vực trường; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và học sinh biết cách giám sát, theo dõi sức khỏe, thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày khi tiếp xúc các đồ vật trong sinh hoạt.
Để tránh sự hoang mang, lo lắng cho nhân dân về dịch cúm A/H1N1, thị trấn Yến Lạc đã tăng cường tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, phối hợp với cán bộ y tế huyện truyền thông về phòng, chống dịch cúm tại tất cả các tổ nhân dân; chỉ đạo các hội, đoàn thể tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tăng cường chủ động phòng, chống dịch bằng cách vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường chung quanh nơi ở...
Bác sĩ Nguyễn Thái Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Kạn cho biết, dịch cúm hằng năm thường cao điểm từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, nhưng cũng có thể xảy ra vào đầu hè tháng 5 - 6. Hậu quả của cúm cũng rất khôn lường đối với một số trường hợp, như: phụ nữ mang thai, trẻ em suy dinh dưỡng; người cao tuổi bị bệnh phổi mãn tính tắc nghẽn, hen phế quản; người bị suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, bệnh tim... Tuy nhiên, cúm lành tính, người dân không nên hoang mang, lo lắng quá, cần nâng cao ý thức vệ sinh hằng ngày, rửa tay bằng xà phòng. Khi có người trong gia đình mắc cúm cần chủ động cách ly, điều trị kịp thời.
Để ngăn chặn dịch cúm lan rộng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Kạn đã đề nghị các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng cúm để giảm thiểu nguy cơ. Vắc-xin cúm phải được tiêm nhắc lại hằng năm vì vi-rút cúm thường xuyên thay đổi tính kháng nguyên.