Việt Nam khởi động Năm Chủ tịch ASEAN 2020

08:58, 07/01/2020

Chiều 6-1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Lễ Khởi động Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Tham gia Lễ Khởi động có khoảng 300 khách mời, gồm đại diện Lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội,thành viên Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, đại diện doanh nghiệp, báo chí và các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội. Đây là sự kiện mở màn cho Năm ASEAN 2020 do Việt Nam Nam làm Chủ tịch.  

Phát biểu tại Lễ Khởi động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm 2020, Việt Nam vinh dự đảm nhận những trọng trách lớn ở cả tầm khu vực và quốc tế, trong đó nổi bật là vai trò Chủ tịch ASEAN. Đây là cơ hội để Việt Nam đóng góp thực chất và nhiều hơn nữa vào phát triển Cộng đồng ASEAN hài hòa, tự cường, sáng tạo, gắn kết, bản sắc, trách nhiệm và có khả năng thích ứng cao.

Thủ tướng khẳng định, ngày nay ASEAN là cộng đồng của những quốc gia độc lập, đoàn kết phát triển ngày càng lớn mạnh, là nền kinh tế phát triển năng động, định vị vững chắc vị trí là vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, được sự tôn trọng và hợp tác của các quốc gia, đối tác lớn trên thế giới. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, biến động khó lường của tình hình khu vực và thế giới, gắn kết và chủ động thích ứng là phương thức quan trọng để giúp ASEAN tận dụng thời cơ và ứng phó hiệu quả với các thách thức.

Đề cập đến tương lai Cộng đồng ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ khát vọng về một Cộng đồng hòa bình và ổn định, đoàn kết và thống nhất, thịnh vượng và bền vững; hội nhập sâu rộng, kết nối thông suốt trên cơ sở sáng tạo, ổn định và hài hòa; tự cường với khả năng thích ứng, chống chịu và xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống; và hoạt động khoa học, hiệu quả và năng động. Để hiện thực hóa những mục tiêu này, mỗi người dân ASEAN hãy chia sẻ và thúc đẩy mạnh mẽ “tinh thần Cộng đồng ASEAN”, thể hiện bằng “tư duy Cộng đồng, hành động vì Cộng đồng” để cùng nhau kiến tạo tương lai.

Thượng cờ ASEAN tại Lễ Khởi động năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chủ đề và ưu tiên trên đây không chỉ phục vụ cho ASEAN trong năm 2020, mà còn hướng đến những mục tiêu dài hạn hơn của Cộng đồng ASEAN. Thực hiện thành công các ưu tiên, mục tiêu và yêu cầu đặt ra trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 cũng chính là những đóng góp của Việt Nam cho sự phát triển bền vững và gắn kết của ASEAN. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam lựa chọn chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, thể hiện trong các trọng tâm ưu tiên nhằm đóng góp tích cực cho môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng, tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hoà bình và phát triển bền vững, phát huy vai trò, đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ hy vọng các Đối tác quốc tế của ASEAN sẽ hợp tác, hỗ trợ ASEAN và Việt Nam thực hiện thành công các nhiệm vụ của năm 2020, vì một khu vực hòa bình, an ninh, phát triển và tiến bộ.

Thủ tướng tin tưởng, với sự đồng lòng nhất trí và cam kết mạnh mẽ, chúng ta sẽ hiện thực hóa thành công mục tiêu vì Cộng đồng ASEAN, vì nhân dân ASEAN.

* Trong khuôn khổ Lễ Khởi động cũng diễn ra hoạt động khai trương trang thông tin điện tử ASEAN 2020. Trang thông tin điện tử này cập nhật kịp thời thông tin về các sự kiện, tuyên truyền cho năm Chủ tịch ASEAN 2020, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam.

Nhân dịp này, Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 đã trao danh vị cho các nhà tài trợ cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

* Sáng 6-1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Mô-tê-ghi Tô-si-mi-chư.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Bộ trưởng Tô-si-mi-chư thăm Việt Nam vào thời điểm đầu năm mới, có ý nghĩa quan trọng đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ lên một tầm cao mới.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Ðối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai nước tăng cường, củng cố tin cậy chính trị thông qua các chuyến thăm cấp cao. Việt Nam mong Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN. Thủ tướng đề nghị Chính phủ Nhật Bản hợp tác thúc đẩy tăng cường liên kết giữa hai nền kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có các lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo; tạo điều kiện thuận lợi để nông, thủy sản Việt Nam tiếp cận thị trường Nhật Bản.

Ðánh giá cao quan hệ giữa các địa phương hai nước thời gian qua, nhất là các Thống đốc các tỉnh của Nhật Bản thường xuyên thăm Việt Nam, Thủ tướng mong muốn Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong cải cách hành chính, Chính phủ điện tử, đào tạo cán bộ cấp chiến lược. Những kinh nghiệm cải cách của Nhật Bản rất quý báu với Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao Nhật Bản và Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, khu vực, đánh giá cao quan điểm của Nhật Bản và mong muốn Nhật Bản tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam về vấn đề Biển Ðông, nhất là bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản khẳng định, Nhật Bản cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ, ủng hộ Việt Nam thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực HÐBA LHQ. Trong hợp tác hai nước, Bộ trưởng đánh giá cao và cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn để thúc đẩy các vấn đề hợp tác hai nước trong nhiều lĩnh vực như ODA, các dự án mà Nhật Bản đang triển khai tại Việt Nam. Nhật Bản tin tưởng với sự nỗ lực của Việt Nam, Hiệp định Ðối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP) sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ thời gian tới, cũng như Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được triển khai quyết liệt, nhất là đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại Việt Nam. Nhật Bản hoan nghênh và sẽ nỗ lực tìm giải pháp để thúc đẩy hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển Chính phủ điện tử.

Bộ trưởng khẳng định, hai nước có đồng quan điểm về vấn đề Biển Ðông cũng như các vấn đề khác trong khu vực, trong đó Nhật Bản luôn ủng hộ quan điểm giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình. Trong vấn đề này, cần coi trọng vai trò của ASEAN cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế. Ðể thúc đẩy hợp tác Nhật Bản và các nước trong lưu vực sông Mê Công, Nhật Bản quyết định viện trợ, hợp tác phòng, chống rác thải nhựa trong khu vực.

* Ngày 6-1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Mô-tê-ghi Tô-si-mi-chư đang thăm chính thức Việt Nam. Hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp, hiệu quả của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian qua, nhất trí tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị thông qua việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc, đối thoại ở các cấp, nhất là cấp cao, phát huy hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác hiện có. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ những ưu tiên về đối nội, đối ngoại của Việt Nam trong năm 2020; khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu. Bộ trưởng Tô-si-mi-chư khẳng định Nhật Bản ủng hộ và sẽ hợp tác chặt chẽ để Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, ODA, phát triển nguồn nhân lực, chống biến đổi khí hậu… Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Chính phủ Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản tích cực đưa các công ty Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ…, sớm cho phép nhập khẩu quả nhãn của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Hai bên nhất trí phối hợp trong lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh, lao động, loại bỏ những công ty phái cử/tiếp nhận lao động, tổ chức môi giới du học không lành mạnh nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của lao động, thực tập sinh, lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Phó Thủ tướng thông báo việc Chính phủ Việt Nam chấp thuận đề nghị của Nhật Bản về việc mở Văn phòng Lãnh sự tại Ðà Nẵng, đồng thời đề nghị Chính phủ Nhật Bản đơn giản hóa hơn nữa thủ tục cấp thị thực cho công dân Việt Nam.

Về vấn đề Biển Ðông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

* Nhân dịp này, hai bên tổ chức lễ ký công hàm trao đổi của các dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Hạ Long sử dụng vốn vay ODA trị giá 11,891 tỷ yên giữa Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng ký với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Mô-tê-ghi Tô-si-mi-chư, và dự án tiếp nhận trang thiết bị phân tích đi-ô-xin và môi trường sử dụng viện trợ không hoàn lại trị giá 2,7 triệu USD giữa Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh với Ðại sứ Nhật Bản tại Việt Nam U-mê-đa Cư-ni-ô.