Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử

14:43, 12/02/2020

Sáng 12-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử (CPĐT), chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương. Tham dự còn có: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Chủ trì tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày báo cáo sơ kết năm 2019, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/03/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, trong năm 2019, 100% bộ, ngành Trung ương và địa phương đã đồng loạt triển khai xây dựng CPĐT cùng với các dịch vụ công trực tuyến trên mạng Internet. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu để tăng hiệu quả làm việc của chính quyền, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước; tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn, nhanh chóng hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, trong năm 2019, việc xây dựng CPĐT trong cả nước đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cả nước hiện có 55/63 địa phương tổ chức được trung tâm phục vụ hành chính công, tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ đạt 95%, tổng chi phí xã hội cắt giảm được hơn 18 triệu đồng mỗi ngày công/năm, tương đương 6.300 tỷ đồng/năm. Nhờ thúc đẩy việc nhận, gửi văn bản điện tử thông qua trục liên thông văn bản quốc gia đã tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm từ tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai CPĐT vẫn còn tồn tại, hạn chế, như: Chưa hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật làm khung thể chế cho triển khai CPĐT; trên 70% các bộ, ngành, địa phương chưa có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Chưa có nền tảng thanh toán điện tử cho dịch vụ công. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn khá thấp, địa phương đạt tỷ lệ 15% còn các bộ, ngành đạt gần 29%. Mục tiêu đến hết năm 2019 có khoảng 30% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (theo tinh thần Nghị quyết 02) sẽ khó đạt.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng tham góp nhiều ý kiến, chia sẻ những kinh nghiệm triển khai Chính phủ điện tử tại các bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: Các bộ, ngành, địa phương cần đồng tâm, hiệp lực, quyết tâm cụ thể hóa các chủ trương của Chính phủ trong việc xây dựng CPĐT; tiếp tục huy động nguồn lực, chủ động, tích cực triển khai xây dựng, phát triển CPĐT; khẩn trương hoàn thiện các thể chế, thủ tục, hệ thống thông tin trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và khẩn trương thực hiện việc số hóa, báo cáo hóa, xây dựng và kết nối hệ thống để báo cáo Chính phủ.