Tại phiên họp thứ 42 diễn ra vào ngày 11/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, có không ít ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ này lên mức 37%, 40% tổng số ĐBQH hoặc cao hơn nữa (hiện nay là 35%).
Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo xin thể hiện thành hai phương án để xin ý kiến như sau: Phương án 1 là giữ quy định về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH (tương đương khoảng 175 đại biểu) như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Phương án 2 là quy định tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số ĐBQH (tương đương khoảng 200 đại biểu).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, quy định của Luật phải làm sao thu hút được các chuyên gia đã từng công tác ở cơ quan Quốc hội hoặc ở các Bộ. Nên quy định thẳng vào trong luật là số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất từ 37% đến 40% tổng số ĐBQH như hướng dẫn của Trung ương và Ban Công tác đại biểu đề xuất trong nhiều khóa.
Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá đây là một dự luật quan trọng, đa số ĐBQH mong muốn lần sửa đổi này không làm giảm vị thế, vai trò, hoạt động của các đại biểu. Cơ bản trong khóa XIV, thực tiễn hoạt động của các ĐBQH không có gì vướng mắc, do đó lần sửa đổi lần này không đặt phạm vi sửa đổi toàn diện Luật mà chỉ sửa đổi một số điều.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý quan điểm nên để con số 40% đại biểu chuyên trách trên tổng số ĐBQH để có mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới.