Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo hướng dẫn việc kiện toàn Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, xã sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính.
Theo Dự thảo, việc sắp xếp, thành lập Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã sau khi sáp nhập phải được thực hiện đồng bộ với việc sắp xếp, sáp nhập của đơn vị hành chính cùng cấp. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp trên trực tiếp hiệp y, thống nhất với cấp ủy Đảng ở cấp thành lập Ủy ban MTTQ mới trên cơ sở sáp nhập của các đơn vị cùng cấp để quyết định thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam lâm thời. Quyết định danh sách Ủy viên Ủy ban và Ban Thường trực của Ủy ban MTTQ, đồng thời quyết định giải thể Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, xã thuộc diện phải sáp nhập đơn vị hành chính.
Về nhân sự, Ủy ban MTTQ lâm thời gồm các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập. Nhân sự, số lượng Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, xã mới sau khi thành lập không vượt quá số lượng theo quy định tại Thông tri số 28/TT-MTTW- BTT.
Đối với các đơn vị đặc thù (do các xã sáp nhập có nhiều xóm; huyện sáp nhập có nhiều đơn vị cấp xã) thì được phép tăng thêm số lượng Ủy viên Ủy ban nhưng không vượt quá 30% so với quy định. Sau khi sáp nhập, các tổ chức thành viên ở những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới sẽ là thành viên của MTTQ Việt Nam; đồng thời, hiệp thương người đứng đầu của tổ chức thành viên đó tham gia Ủy ban MTTQ cùng cấp. Còn đối với những tổ chức thành viên mà không sáp nhập sau khi sáp nhập đơn vị hành chính thì đương nhiên là thành viên của MTTQ Việt Nam cùng cấp.
Dự thảo cũng hướng dẫn khá chi tiết về thời gian, nội dung tổ chức đại hội và quy định nhiệm kỳ của Ủy ban MTTQ cấp huyện, xã ở các đơn vị hành chính mới.
Tại Hội nghị, đại diện Ủy ban MTTQ tại các điểm cầu đã có nhiều ý kiến phát biểu, đóng góp vào các nội dung Dự thảo. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất với Dự thảo của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.