Sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường, lớp

10:05, 28/02/2020

Thời gian qua, ngành giáo dục đã tích cực phối hợp các cơ quan liên quan để thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, ngành cũng chủ động vệ sinh, tẩy trùng trường lớp học, xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh trong thời gian nghỉ học; bảo đảm điều kiện sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại.     Học sinh theo dõi bài giảng trực tuyến tại nhà trong những ngày nghỉ học do dịch Covid-19.  

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho biết, thời gian cho học sinh tạm nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19, các trường đã thực hiện việc vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp học; giáo viên, học sinh được hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh. Bộ GD và ĐT yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường học. Khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 cũng được điều chỉnh kết thúc trước ngày 30-6, thi THPT quốc gia từ ngày 23 đến 26-7. Căn cứ vào khung thời gian nêu trên, các địa phương chủ động thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh có con học lớp 9, lớp 12 bày tỏ sự lo ngại nếu con em mình nghỉ học quá lâu sẽ bị hổng kiến thức, cho nên cần có hình thức học, ôn tập phù hợp. Chị Nguyễn Hoài Thu (Đống Đa, Hà Nội) có con đang học lớp 9 lo lắng: Mọi năm đến thời điểm này, học sinh đang gấp rút ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10. Tuy nhiên, hiện nay con phải tự học, tự ôn bài không biết học có đúng hướng không. Cùng chung nỗi lo, chị Phạm Bích Hảo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có con năm nay thi THPT quốc gia cho biết, mặc dù trường học có tổ chức học trực tuyến nhưng việc này đem lại hiệu quả chưa cao vì thiếu tính kỷ luật, không có sự tương tác, dẫn đến việc học sinh không hứng thú. Nhưng nếu cho các con đi học cũng khiến phụ huynh lo ngại dịch bệnh.

Để giảm bớt băn khoăn của phụ huynh học sinh, các địa phương, cơ sở giáo dục đưa ra nhiều giải pháp khắc phục. Tại Phú Thọ, Giám đốc Sở GD và ĐT Trịnh Thế Truyền cho biết, Sở đã ban hành kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10 và thi THPT quốc gia năm 2020 trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Phú Thọ. Theo đó, sẽ tổ chức ôn tập các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh cho học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10. Mỗi môn học xây dựng khoảng 10 đến 12 vi-đê-ô bài giảng; mỗi bài giảng là một chuyên đề ôn tập, có thời lượng khoảng 45 phút. Nội dung các chuyên đề được xây dựng theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực trong chương trình môn học cấp THCS (chủ yếu là chương trình lớp 9). Đối với học sinh chuẩn bị thi THPT quốc gia, sẽ tổ chức dạy ôn tập chín môn gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ GD và ĐT), Nguyễn Sơn Hải cho biết: Khi có dịch COVID-19, học sinh không đến trường dẫn đến nhu cầu học qua mạng tăng cao. Một số địa phương như: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… đã linh hoạt trong việc dạy học và giao bài tập theo hình thức trực tuyến. Bộ GD và ĐT xác định đây là hình thức dạy học, ôn tập để bổ trợ kiến thức khi các em ở nhà, chứ chưa phải là hình thức học tập bắt buộc. Bộ hiện có kho dữ liệu gồm 5.000 bài giảng điện tử E-Learning ở các cấp học, được tuyển chọn trong các cuộc thi cấp quốc gia. Đây là nguồn học liệu phong phú, các trường, giáo viên có thể nghiên cứu, lựa chọn những bài giảng phù hợp và hướng dẫn học sinh tham khảo.

Bộ GD và ĐT yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường học. Trong đó, các trường triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn tốt nhất cho học sinh. Đối với lớp học, phòng chức năng, phòng thực hành, thư viện, nhà thể chất, cửa sổ, cầu thang, cửa ra vào cần thực hiện vệ sinh khử khuẩn sau mỗi buổi học. Giáo viên chủ nhiệm phối hợp phụ huynh theo dõi thân nhiệt và tình hình sức khỏe học sinh thông qua các hình thức như: Sổ liên lạc điện tử, tin nhắn, zalo.

Theo Quyền Giám đốc Sở GD và ĐT Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Huyến, khi có thông báo trên địa bàn tỉnh có người nhiễm dịch COVID-19, Sở GD và ĐT đã phối hợp chặt chẽ Sở Y tế; tổ chức giao ban toàn ngành thông tin về tình hình dịch bệnh và đề ra các biện pháp phòng, chống. Đến nay, các trường học đã tổ chức phun khử trùng toàn bộ trường, lớp học. Đáng chú ý, huyện Bình Xuyên được đánh giá là “tâm dịch” cho nên công tác phòng, chống dịch bệnh được các cơ quan T.Ư và tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có ngành giáo dục vào cuộc tích cực.

Đại diện Phòng GD và ĐT huyện Bình Xuyên cho biết, đến nay tất cả các trường đều chủ động lập kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; phun thuốc khử trùng trường, lớp và sát khuẩn đồ dùng, đồ chơi của học sinh; đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa; bố trí nguồn nước và xà-phòng, nước rửa tay sát khuẩn. Các trường đều cập nhật tình hình sức khỏe giáo viên và học sinh, báo cáo định kỳ một lần/ngày và báo cáo đột xuất cấp trên để đưa ra các giải pháp phù hợp.

Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Sở đã phối hợp các cơ quan tiến hành rà soát cán bộ, giáo viên, học sinh đã đi qua vùng dịch. Một số quận, huyện đã lắp thêm vòi nước, chậu rửa tay trong khuôn viên trường để học sinh rửa tay bằng xà-phòng thường xuyên; hướng dẫn phụ huynh chuẩn bị cho con bình nước và khăn tay riêng; tập huấn cho giáo viên cách xử lý khi học sinh có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp. Đến nay, các trường học trên địa bàn Hà Nội đã được sát khuẩn và khử khuẩn bốn đợt. Vệ sinh trường học và sát khuẩn sẽ tiếp tục được các nhà trường thực hiện hằng ngày sau khi học sinh đi học trở lại.

Theo Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ, việc lùi thời điểm kết thúc năm học sẽ gây một số khó khăn cho ngành giáo dục và các địa phương, phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, qua phân tích vẫn có thể khắc phục được bằng các giải pháp quản lý phù hợp của từng nhà trường, từng địa phương. Việc phòng, chống dịch bệnh dù được chuẩn bị tốt đến mấy cũng không thể chủ quan. Vì vậy, các địa phương phải chú trọng mọi vấn đề liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh, khi bảo đảm an toàn mới cho học sinh đi học trở lại.