Bộ Công thương vừa có văn bản gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về năm phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt (BGBLĐSH) nhằm hoàn chỉnh các phương án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ngay trong tháng 3 này. Trong văn bản, Bộ Công thương cũng đề xuất chọn phương án biểu giá điện năm bậc thang thay biểu giá sáu bậc hiện hành vì vừa khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, lại khắc phục được tình trạng hóa đơn tiền điện biến động trong những tháng đổi mùa.
Năm phương án “hạ bậc” biểu giá điện
Thời gian qua, có nhiều ý kiến của người dân, doanh nghiệp và cả các chuyên gia về việc cần xem xét lại cơ cấu BGBLĐSH, trong đó tập trung vào nghiên cứu cải tiến rút gọn số bậc thang tính tiền điện (hiện nay là sáu bậc thang) để phù hợp thực tế sử dụng điện của người tiêu dùng. Ngoài ra, cũng có một số ý kiến đề nghị mức sản lượng bậc 1 lên 100 kW giờ phù hợp nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của người dân. Do đó, Quốc hội và Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh, sửa đổi BGBLĐSH.
Thực hiện chỉ đạo, Bộ Công thương đề xuất năm phương án cải tiến cơ cấu BGBLĐSH theo hướng giảm số bậc thang, tăng mức tiêu thụ ở bậc thang đầu tiên và xem xét khoảng cách giữa các bậc là cần thiết. Đó là những phương án gồm một bậc thang, ba bậc thang, bốn bậc thang và hai phương án năm bậc thang. Cụ thể, phương án một bậc thang với giá bằng mức giá điện bình quân hiện hành cho sinh hoạt là 1.897 đồng/kW giờ. Theo phương án này, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 201 kW giờ/tháng trở lên (theo thống kê khoảng 6,7 triệu hộ) phải trả ít đi từ 8 nghìn đến 330 nghìn đồng/hộ/tháng. Ngược lại, những hộ sử dụng từ 0 - 200 kW giờ/tháng (khoảng 18,6 triệu hộ) lại phải trả thêm từ 17 nghìn - 36 nghìn đồng/hộ/tháng. Bên cạnh đó, số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội cũng tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng. Phương án 2 đưa ra cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt bao gồm ba bậc thang, trong đó giá điện bậc 1 từ 0 - 100 kW giờ, bậc 2 từ 101 - 400 kW giờ, bậc 3 từ 401 kW giờ trở lên. Theo phương án này, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 301 kW giờ/tháng trở lên (khoảng 3,1 triệu hộ) sẽ trả ít đi từ 45 nghìn - 62 nghìn đồng/hộ/tháng; trong khi những hộ sử dụng từ 0 - 300 kW giờ/tháng (khoảng 22,3 triệu hộ) sẽ phải trả thêm từ 4 nghìn - 30 nghìn đồng/hộ/tháng. Trong phương án bốn bậc thang, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 51-100, 201-300 và 301-400 kW giờ/tháng (khoảng 10,3 triệu hộ) sẽ giảm từ 267 nghìn - 32 nghìn đồng/hộ/tháng. Nhưng những hộ sử dụng từ 0-50, 101- 200 và từ 401 kW giờ/tháng trở lên (khoảng 15,3 triệu hộ) lại phải trả thêm từ 1 nghìn - 105 nghìn đồng/hộ/tháng.
Phương án năm bậc thang được cơ quan soạn thảo đưa ra hai kịch bản. Trong kịch bản 1, giá điện bậc 1 (cho 0 - 100 kW giờ) được giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành, bậc 2 từ 101 - 200 kW giờ, bậc 3 từ 201 - 400 kW giờ, bậc 4 từ 401 - 700 kW giờ, bậc 5 từ 701 kW giờ trở lên. Theo kịch bản này, sẽ chỉ có 0,46 triệu hộ (chiếm 1,8%) dùng 701 kW giờ/tháng trở lên phải trả tăng thêm 29 nghìn đồng/hộ/tháng, còn lại không tăng hoặc được giảm tiền điện phải trả. Đối với kịch bản thứ hai, giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi; gộp bậc 1 và bậc 2 với giá điện giữ nguyên theo bậc 1 nhằm bảo đảm ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội cũng không thay đổi; phần doanh thu thiếu được bù vào bậc hơn 700 kW giờ; giá điện của bậc 201 - 400 kW giờ được gộp theo giá bình quân của bậc 4 (201 - 300 kW giờ) và bậc 5 (từ 301 - 400 kW giờ) của giá điện cũ.
Không ảnh hưởng nhiều đến khách hàng
Giải thích về các phương án cải tiến cơ cấu BGBLĐSH, Cục trưởng Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, so sánh thì cả 5 phương án cải tiến đều có ưu điểm là đơn giản, ít số bậc hơn so BGBLĐSH hiện hành có sáu bậc. Tuy nhiên, các phương án một bậc, ba bậc hay bốn bậc có nhược điểm chung là chi phí trả tiền điện của các khách hàng sử dụng điện dưới 300 kW giờ đều tăng lên, không thực hiện được mục tiêu khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời, phần lớn khách hàng sử dụng điện (theo thống kê khoảng 87%, tương đương 21 triệu khách hàng) sẽ phải trả tiền điện tăng. Do đó, Bộ Công thương đề xuất phương án năm bậc theo kịch bản 1 vì phù hợp nhất thực tế sử dụng điện của người dân hiện nay; hơn 20 triệu khách hàng sử dụng dưới 250kW giờ/tháng cũng đều được lợi và trả tiền điện thấp hơn. Không những vậy, với phương án năm bậc, cơ chế hỗ trợ 1,8 triệu hộ nghèo, hộ chính sách sử dụng điện dưới 50 kW giờ (khoảng một nghìn tỷ đồng) cũng sẽ tiếp tục được duy trì ổn định. Cũng theo ông Tuấn, việc cải tiến cơ cấu BGBLĐSH lần này khẳng định bảo đảm nguyên tắc vẫn giữ nguyên mức giá bán lẻ điện bình quân trong Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20-3-2019 của Bộ Công thương về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Bên cạnh đó, cũng tính toán đến yếu tố khách hàng sử dụng điện có thể dễ dàng theo dõi, tính toán lượng điện sử dụng cũng như giảm thấp nhất mức tăng đột biến trong các mùa nắng nóng sắp tới.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Phạm Viết Ngãi cho rằng, việc giảm BGBLĐSH từ sáu bậc xuống năm bậc như đề xuất của Bộ Công thương sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dân. Thí dụ, một hộ dân sử dụng dưới 50 kW giờ/tháng, khi áp vào biểu giá mới vẫn sẽ trả số tiền tương đương biểu giá hiện hành. Thậm chí, số tiền điện phải trả của các khách hàng đối với khung sử dụng từ 51 - 100 kW giờ/tháng và 301 - 400 kW giờ/tháng còn giảm đi khi áp vào biểu giá bán điện mới. Chỉ có những khách hàng sử dụng từ 701 kW giờ/tháng trở lên mới phải trả nhiều hơn, nhưng mức chênh lệch cũng không quá lớn và người dân có mức lương trung bình hoặc khá hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng phương án biểu giá điện năm bậc thang mà Bộ Công thương đề xuất có ưu điểm, đó là: Đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ sáu bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn năm bậc. Bên cạnh đó, đã ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc, cũng như nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn, phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn; đồng thời, hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa. Mặt khác, số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội cũng không tăng thêm như những phương án ít bậc. Mức tăng giá giữa các bậc bảo đảm hợp lý, nhất là chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối được nới rộng (khoảng hai lần), hoàn toàn phù hợp xu thế chung của các nước trên thế giới trong việc khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.