Tăng cường đảm bảo an ninh lương thực quốc gia

15:48, 18/03/2020

Ngày 18-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”. Dự tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành.

Sau 10 năm thực hiện, Đề án đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thế: 14 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Trong đó, đáng chú ý diện tích đất lúa cả nước năm 2018 đạt trên 4,12 triệu ha (mục tiêu đề ra tại Nghị quyết là 3,76 triệu ha); sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn (mục tiêu đề ra 41-43 triệu tấn); xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,34 triệu tấn (mục tiêu đề ra 4 triệu tấn). Năm 2019, thu nhập bình quân của dân cư ở nông thôn đã tăng 4,3 lần so với năm 2008. Nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao (đạt 2,61%/năm)… Đối với tỉnh Thái Nguyên, nhìn chung an ninh lương thực trên địa bàn những năm qua được đảm bảo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt năm 2018 đạt 95 triệu đồng/ha, tăng 51 triệu đồng/ha so với năm 2008; năng suất, sản lượng một số cây trồng chính đều tăng; hệ thống các công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư, hoàn thiện…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội nghị đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa bền vững; quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương không ổn định; vẫn còn tình trạng "được mùa - mất giá"; chưa tích tụ, tập trung ruộng đất… Để khắc phục những tồn tại đó, tại Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các địa phương, bộ, ngành như: Cần quy hoạch quỹ đất sản xuất lương thực; đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt đề án về tích tụ ruộng đất; cần có cơ chế đồng bộ hỗ trợ phát triển cây lương thực cũng như các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến nông sản; quy hoạch xây dựng kho trữ lương thực theo khu vực… 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh lương thực nhằm bảo đảm cuộc sống, đáp ứng nhu cầu cho người dân, nhất là trong tình trạng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu từ nay đến năm 2030 trong phát triển ngành nông nghiệp nước ta là đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; bảo đảm đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cả về số lượng, chất lượng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu… Mục tiêu đến năm 2030 là đảm bảo thu nhập cho người dân nông thôn cao gấp 2 lần so với hiện nay, giữ ổn định đất lúa khoảng 3,3-3,6 triệu ha, sản xuất khoảng 35 triệu tấn lúa…