Số doanh nghiệp thành lập mới cũng như số vốn đăng ký giảm mạnh trong tháng 4 năm 2020. Hiện, các bộ ngành đang gấp rút triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Dự kiến cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế.
Đây là Hội nghị đang hết sức được trông đợi, trong bối cảnh theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, trong tháng 4, cả nước có 7.885 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 93,9 nghìn tỷ đồng, giảm 46,9% về số doanh nghiệp và giảm 43,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy trong tháng 4, cả nước cũng có 3.810 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,3% so với tháng trước và tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 37,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 445,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 315,7 nghìn lao động, giảm 13,2% về số doanh nghiệp, giảm 17,9% về vốn đăng ký và giảm 29,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả 680 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 11,7 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm là 1.126 nghìn tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tất cả các ngành, lĩnh vực hoạt động có duy nhất ngành sản xuất phân phối điện, nước, gas có số doanh nghiệp thành lập mới tăng với 527 doanh nghiệp, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước.
Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác…
Cũng trong 4 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 22,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện tại Hiệp hội đã đưa ra kịch bản xuất khẩu năm nay chỉ ở mức 33,5 tỷ USD, thậm chí là 30 - 31 tỷ USD. Còn theo đại diện Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã giảm 10% so với cùng kỳ.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh, sự bùng phát của dịch COVID-19 trên toàn cầu không chỉ tạo ra cuộc khủng hoảng y tế mà còn là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với kinh tế và thị trường lao động toàn cầu.
Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đã gây tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và việc làm của người lao động; đặc biệt, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua. Do vậy, ông Vinh cho rằng, để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động hơn bao giờ hết cần chung tay kiểm soát dịch bệnh đồng thời từng bước ổn định và phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đại dịch diễn ra khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, thị trường xuất khẩu gặp khó, thiếu hụt nguyên liệu... dẫn tới sụt giảm doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp buộc phải đưa ra những phương án, chiến lược kinh doanh phù hợp; gắn những vấn đề ngắn hạn cấp bách với chiến lược trung và dài hạn. Bởi, sau đại dịch, chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ sớm được tái cơ cấu và định vị.
Qua khảo sát, 31% doanh nghiệp hội viên Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững cho biết đã và sẽ tập trung nhiều hơn cho thị trường trong nước, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài. Đặc biệt, 81% doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh liên kết ngành, đảm bảo không làm đứt gãy chuỗi cung ứng nếu trong tương lai có thể xảy ra những sự kiện tương tự như dịch COVID-19.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, chuyển đổi số... nhằm giảm sự phụ thuộc vào các thị trường, hình thức kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, việc cần làm trước tiên đó là tiết kiệm, cắt giảm chi phí, hoãn đầu tư những hạng mục chưa thiết yếu là những yêu cầu cấp bách đối với các doanh nghiệp hiện nay.
Nỗ lực của các bộ ngành
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, khoảng 740 nghìn doanh nghiệp, chiếm đến 98% số doanh nghiệp đang hoạt động sẽ được hưởng lợi từ chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Chính sách này sẽ gia hạn khoảng 180 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và giải quyết theo thẩm quyền miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thiết bị y tế phục vụ cho phòng chống dịch; trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP về thuế suất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông lâm thủy sản, cơ khí, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp ô tô.
“Dự kiến, khi các nghị định này được ban hành, tác động làm giảm thu ngân sách cũng như tăng khả năng về vốn đầu tư trở lại cho doanh nghiệp khoảng 6.000 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để đề xuất với Quốc hội tại kỳ họp tới đây về quyết định mức thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, áp dụng từ 1/7/2020”, Bộ trưởng cho hay.
Nếu chính sách này được thông qua, khoảng 700 nghìn doanh nghiệp, chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp cả nước đang hoạt động sẽ được hưởng lợi. Qua đó, giảm nghĩa vụ nộp ngân sách năm 2020 của số doanh nghiệp này khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã phối hợp với các ngành để rà soát cắt giảm, miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí. Tổng số phí, lệ phí cắt giảm mà doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi là khoảng 500 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã ban hành thông tư điều chỉnh giảm giá từ 10-50% đối với 9 nhóm dịch vụ và miễn hoàn toàn đối với giá 6 nhóm dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, áp dụng tại các sở giao dịch chứng khoán và trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam. Chính sách này đã tác động rất tốt đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về phía Bộ Công Thương, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu khẳng định, Bộ Công Thương sẵn sàng lắng nghe phản ánh về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đồng thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Phan Văn Chinh, tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ liên quan đến xuất nhập khẩu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu nguyên liệu, xúc tiến thương mại…
Đặc biệt, những kiến nghị của các hiệp hội, ngành hàng liên quan đến các gói hỗ trợ tín dụng, chính sách tài khóa và an sinh xã hội, Cục Xuất Nhập khẩu sẽ tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ để trình Chính phủ trong Hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ngoài ra, với những khó khăn về nguồn nguyên liệu và thị trường xuất khẩu ở cả thời điểm hiện tại và dự báo trong quý II và III, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện hỗ trợ tối đa.
Cũng theo ông Phan Văn Chinh, hầu hết các quốc gia là thị trường xuất khẩu lớn của hàng hóa Việt Nam đã đạt được những kết quả tốt trong phòng chống dịch bệnh và đang tái khởi động nền kinh tế.
Hơn nữa, các quốc gia này cũng đều đưa ra các gói hỗ trợ, cứu trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Vì thế, đây là cơ sở để các doanh nghiệp Việt Nam duy trì và tìm kiếm bạn hàng, đối tác xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhận định, Chính phủ đã và đang tiếp tục đưa ra các chính sách rất thực tế như hỗ trợ tài chính, tín dụng cho cộng đồng doanh nghiệp cùng người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch.
Hiện các doanh nghiệp; đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ, và siêu nhỏ vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ khốn khó, lao đao và rất cần những chính sách hỗ trợ vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài.
Bởi lẽ, theo Chủ tịch VINASME, công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 còn kéo dài nên việc chuẩn bị cho doanh nghiệp một tâm thế để sống chung với dịch bệnh và kinh doanh an toàn là vô cùng cần thiết. Do đó, nhất định cần đưa ra những giải pháp tổng thể, những định hướng chiến lược để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và tìm kiếm cơ hội mới hậu thời kỳ COVID-19.
Còn ông Nguyễn Quang Vinh đề xuất Chính phủ cần xây dựng và triển khai Đề án Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; đồng thời, triển khai Chương trình quốc gia về Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thực hiện Mô hình Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030…