Kiểm tra đột xuất lĩnh vực bảo vệ môi trường không phải thông báo trước

13:52, 26/05/2020

So với Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2014, dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) bổ sung quy định thanh tra, kiểm tra đột xuất trong lĩnh vực BVMT được áp dụng theo quy định đặc thù không phải công bố, thông báo trước nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động này.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, sáng 26/5, Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra Dự án luật này.

Kiểm tra đột xuất lĩnh vực BVMT không phải thông báo trước

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, dự án Luật gồm 16 chương, 186 điều, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định như: thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường; không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT).

Về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường, dự thảo Luật đã quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ TN&MT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND các cấp trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra về BVMT. Bổ sung quy định về tần suất thanh tra BVMT (không quá một lần/năm đối với một tổ chức, cá nhân, riêng các đối tượng chấp hành tốt công tác BVMT là không quá một lần/02 năm liên tiếp, trừ trường hợp thanh tra đột xuất) để giảm phiền hà, chồng chéo cho doanh nghiệp.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định thanh tra, kiểm tra đột xuất trong lĩnh vực BVMT được áp dụng theo quy định đặc thù không phải công bố, thông báo trước nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động này.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm theo hướng nâng thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT từ 02 năm lên 05 năm để đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, dự thảo Luật đã đưa các chức năng quản lý nhà nước về BVMT đang phân tán ở một số Bộ về Bộ TN&MT như quản lý chất thải rắn, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhằm bảo đảm nguyên tắc đồng bộ, thống nhất trong quản lý nhà nước về BVMT; cụ thể hóa trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT của Chính phủ, đảm bảo vai trò thống nhất tham mưu của Bộ TN&MT thông qua việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ mang tính thiết lập khuôn khổ quản lý BVMT trên phạm vi toàn quốc; trách nhiệm tham gia tổ chức thực hiện pháp luật về BVMT của các Bộ, ngành trong phạm vi quản lý, đảm bảo nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chịu trách nhiệm chính…

Đồng thời, bổ sung nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu; quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT của các Bộ trong việc chỉ đạo lồng ghép và tổ chức thực hiện các nội dung, mục tiêu, yêu cầu về BVMT trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; sửa đổi, bổ sung một số nội dung quản lý nhà nước về BVMT để bảo đảm bao quát được các hoạt động BVMT.

Đề xuất UBND cấp tỉnh ban hành quy chuẩn môi trường địa phương

Trình bày báo cáo thẩm tra về Dự án luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng đồng tình với quan điểm của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung quy định về quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) môi trường theo hướng ngày càng nghiêm ngặt hơn để bảo vệ tốt hơn sức khỏe con người và đạt mục tiêu người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới.

Tuy nhiên, đây là vấn đề có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và thu hút đầu tư, là căn cứ rất quan trọng để thực thi các công cụ, biện pháp BVMT. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động về xây dựng QCKT chất thải; tiếp tục nghiên cứu, rà soát quy định bảo đảm rõ ràng, cụ thể trong nguyên tắc áp dụng QCKT môi trường đối với chất thải, quản lý chất thải để các doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động lựa chọn phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh, giảm thiểu rủi ro.

Về vấn đề này, có ý kiến đề nghị xem xét lại tính hợp lý của quy định về việc “UBND cấp tỉnh ban hành QCKT môi trường địa phương để phù hợp với yêu cầu BVMT đặc thù của địa phương trong thời hạn tối đa 02 năm sau khi QCKT môi trường quốc gia được ban hành”. Ngoài ra, việc quy định Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành QCKT môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông vận tải cũng cần được cân nhắc xem xét để không chồng lấn với trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và các nội dung quy định tại các Luật chuyên ngành về giao thông. Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu các ý kiến xác đáng nêu trên.

Về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại về môi trường, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn tiêu chí phân loại sự cố môi trường theo 4 mức độ: mức độ thấp, trung bình, cao và mức độ thảm họa. Ý kiến khác cho rằng, quy định về tổ chức ứng phó sự cố môi trường còn khá chung chung, chưa rõ cơ chế tổ chức ứng phó, đồng thời cần bổ sung cơ chế bảo đảm thông tin kịp thời đến từng tổ chức, cá nhân trong phạm vi ảnh hưởng của sự cố môi trường.

Về trách nhiệm quản lý về ứng phó sự cố môi trường, dự thảo Luật quy định Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm “Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế ứng phó sự cố môi trường theo quy định pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình” là quá rộng, cần cân nhắc để bảo đảm tính khả thi; cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định để phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường giữa Bộ TN&MT với các Bộ khác.

Ủy ban KH,CN&MT đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn về sự cố môi trường theo 4 mức độ. Đồng thời, cần cân nhắc để bảo đảm tính khả thi; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định để phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường giữa Bộ TN&MT với các Bộ khác./.