Sáng 25-6, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố để bàn giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020. Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 24-6, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương được 7.427 tỷ đồng, đạt 13,1% so với dự toán được giao. Trong đó, giải ngân của các Bộ, ngành Trung ương là 2.815 tỷ đồng, đạt 15,46% so với dự toán; giải ngân của các địa phương là 4.611 tỷ đồng, đạt 11,98% so với dự toán. Chỉ có 3 bộ và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20% so với dự toán; còn 1 bộ và 10 địa phương chưa giải ngân nguồn vốn này. Đối với giải ngân kế hoạch vốn bổ sung năm 2019 chuyển sang năm 2020 đến nay đạt 7.198 tỷ đồng, xấp xỉ bằng số giải ngân theo kế hoạch vốn cả năm.
Có thể nói, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 thì việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài vẫn cao gấp 3,6 lần so với mức cùng kỳ năm 2019 được xem là nỗ lực rất lớn của các Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, nếu so với kết quả giải ngân của nguồn vốn đầu tư công trong nước (đạt 28,2%) thì tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài vẫn còn thấp và nếu không có các giải pháp quyết liệt thì sẽ khó có thể hoàn thành đối với nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi năm 2020 cũng như cả nhiệm kỳ…
Tại Hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ rõ thực trạng, nguyên nhân của những khó khăn, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này trong những tháng còn lại của năm: Khẩn trương rà soát, phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để có cơ sở giải ngân; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc phát sinh, đặc biệt là các vướng mắc liên quan đến chế độ, chính sách để đưa ra biện pháp tháo gỡ; tăng cường công tác kiểm tra, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện giải ngân nguồn vốn này; sớm tổng hợp các yêu cầu cắt giảm kế hoạch vốn của các đơn vị, địa phương, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, nếu cần thiết thì điều chuyển cho đơn vị khác có khả năng thực hiện…
Đối với Thái Nguyên, theo báo cáo của Sở Tài chính, tính đến ngày 15-6, toàn tỉnh giải ngân được 184/452 tỷ đồng đối với vốn năm 2020; nhưng đối với kế hoạch vốn năm 2019 chuyển sang năm 2020 thì hiện mới giải ngân được 6,75/305 tỷ đồng.