Giải báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng nhận tác phẩm tham dự đến ngày 21-6

17:49, 16/07/2020

Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba (năm 2020-2021) nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 21-6-2021. Ban Tổ chức cho biết sẽ phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến cho các nhà báo về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Sáng 16-7, tại Hà Nội, diễn ra cuộc họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020-2021. Giải do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Tham dự cuộc họp có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam; Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; cùng các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài thông tin cho biết, sau khi phát động Giải lần thứ ba, trên cơ sở thống nhất với các cơ quan phối hợp, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành các Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải.

Cùng với đó, đã ban hành Thể lệ Giải để phát hành tới Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan báo chí trong cả nước. Theo thể lệ Giải, thời gian tiếp nhận bài dự thi được tính từ ngày phát động đến ngày 21-6-2021 (tính theo dấu bưu điện). Lễ tổng kết và trao giải sẽ được tổ chức trong tháng 9-2021.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, qua hai lần tổ chức, Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” đã khẳng định được vị thế và tạo được tiếng vang trong xã hội,

Đồng chí Thuận Hữu cho biết qua hai lần tổ chức, Giải đã khẳng định được vị thế và tạo được tiếng vang trong xã hội. 

Cùng với Giải báo chí quốc gia và Giải búa liềm vàng, Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” ngày càng khẳng định được uy tín và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo trong cả nước.

Để Giải ngày càng nhận được nhiều tác phẩm có chất lượng, đồng chí Thuận Hữu cho biết, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ đẩy mạnh phổ biến và giới thiệu về Giải tới các cấp Hội; đồng thời chỉ đạo các cấp Hội Nhà báo trong cả nước tuyên truyền, vận động hội viên cùng các nhà báo tích cực tham gia và gửi các tác phẩm có chất lượng tham dự.

Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh cho biết, với vai trò cơ quan đồng tổ chức Giải, Đài sẽ đẩy mạnh việc truyền thông sâu rộng về Giải đến toàn xã hội. Theo đó, Đài Truyền hình Việt Nam có kế hoạch xây dựng trailer và cho phát sóng tuyên truyền, giới thiệu về Giải trên các kênh của Đài vào thời gian phù hợp.

Đồng chí Trần Bình Minh cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng của giải, nội dung các tác phẩm bên cạnh việc đấu tranh trực diện với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cần đề xuất những giải pháp, cơ chế để bảo vệ người đấu tranh với tham nhũng, lãng phí.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho rằng phải đẩy mạnh công tác truyền thông để việc tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí không chỉ là nhiệm vụ của hệ thống chính trị mà còn là trách nhiệm, sự tham gia của toàn xã hội.

Đồng chí Hầu A Lềnh cho biết, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam sẽ có công văn đề nghị Thường trực tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các ban, bộ ngành, các tổ chức thành viên, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo các cấp ủy, UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai hưởng ứng, tham gia Giải.

Tập huấn cho các nhà báo về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Tại cuộc họp, các ý kiến đề nghị Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải cần tổ chức cho các nhà báo được tập huấn để tiếp cận thông tin về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí một cách chính thống; đồng thời hoàn thiện tiêu chí, thể lệ giải. Ban Tổ chức cần chủ động đặt hàng các cơ quan báo chí trong phản ánh việc bảo vệ người đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đi sâu vào phản biện những lỗ hổng trong cơ chế chính sách để đấu tranh với tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh vai trò chủ lực trong công tác truyền thông về Giải của MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam. Qua đó nhằm thu hút thêm số lượng và nâng cao chất lượng các tác phẩm tham dự Giải, góp phần quan trọng vào thành công của Giải.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho rằng, các tác phẩm tham dự Giải bên cạnh việc phản ánh kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng, bảo vệ người phát hiện tố giác hành vi tham nhũng cần đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt phải có sự tham gia đồng hành của người dân trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí.

“Qua phòng chống đại dịch COVID-19, thành công của chúng ta chính là sự đồng hành, đồng thuận của người dân khi sẵn sàng sẻ chia khó khăn với đất nước. Chính vì vậy, để Giải có sức lan tỏa, phải tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu và đồng thuận hưởng ứng. Có như vậy cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí mới thành công”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nêu quan điểm.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị, song song với việc hoàn thiện Thể lệ Giải, Ban Tổ chức cần phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến cho các nhà báo về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.