Quyết tâm bảo đảm dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước

14:27, 07/07/2020

(TN) - Sáng 7-7, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ này trong những tháng cuối năm. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự, phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu trung tâm. Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng qua được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước biến động lớn do tác động của đại dịch COVID-19. Vì thế, Bộ đã chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền nhiều giải pháp tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở đó có các phương án tương ứng về điều hành NSNN.

Tính đến hết tháng 6, tổng thu NSNN cả nước ước đạt 668,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán năm, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ có 34/63 địa phương thu nội địa đạt trên 50% dự toán; 24 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ. Chi ngân sách ước đạt 729,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán năm. Riêng chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch này là 15,3 nghìn tỷ đồng… 

Đối với Thái Nguyên, tổng thu ngân sách của tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt 6.475 tỷ đồng, bằng 41,6% dự toán, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước; tổng chi là 5.596 tỷ đồng, đạt 34,6%, bằng 101,5% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt khá so với cả nước... Nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả năm, tỉnh đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực mà ngành Tài chính đã thực hiện trong thời gian qua, nhất là trong trong việc đề xuất các biện pháp và xử lý kịp thời những hỗ trợ dành cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Thời gian tới, khó khăn thách thức đối với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương còn rất lớn, trong khi đó, ngành Tài chính vẫn phải nỗ lực thực hiện cho được đồng thời 3 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Bảo đảm dự toán thu, chi; bảo đảm nguồn lực để phát triển kinh tế và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Do vậy, ngành Tài chính và các địa phương phải tiếp tục đổi mới tư duy, tăng tính chủ động, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nội bộ ngành; sử dụng chính sách tài khóa linh hoạt… để thích ứng trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 vẫn rất phức tạp. Chỉ khi thực hiện tốt mục tiêu kép đó là vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, thì chúng ta mới duy trì tăng trưởng, ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời giúp bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng an ninh. Từ đó nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam với thế giới.