Chiều 17-8, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố họp với các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến. Dự và chỉ đạo có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố phụ trách, điều hành hoạt động của Ban Cán sự đảng UBND thành phố và UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố.
Hà Nội: Chưa có nguy cơ lây lan thành ổ dịch lớn
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ ngày 14 đến 17-8, Hà Nội ghi nhận thêm 2 ca mắc mới là BN962 và bệnh nhân V.H.C là F1 của BN962. Tính từ ngày 25-7 đến nay có 33 ca mắc, chưa có trường hợp tử vong, trong đó có 10 ca ngoài cộng đồng, 23 ca đã được cách ly ngay khi nhập cảnh. Hiện thành phố đã rà soát được 542 trường hợp F1, hơn 3.200 trường hợp F2 liên quan đến các ca bệnh. Số người đang cách ly tập trung là 2.127 người.
Về vấn đề rà soát người đi Đà Nẵng, đến nay có 100.090 người, trong đó số người về từ ngày 15-7 là 77.150 người. Các địa phương đã lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho những người đi về từ Đà Nẵng, đến ngày 16-8, lấy được 50.602 mẫu, đã có kết quả 28.478 mẫu và đều âm tính. Hiện đã có 15 quận, huyện, thị xã cơ bản lấy xong mẫu xét nghiệm. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố đã lấy mẫu của 1.086 người có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Kết quả, 1.078 trường hợp âm tính.
Về hoạt động phòng, chống dịch tại cơ sở khám, chữa bệnh, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, các bệnh viện đã thực hiện phân luồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngày 15-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đã cùng tổ kiểm tra đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện Hồng Ngọc và Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt.
Nhận định về tình hình dịch, ông Hoàng Đức Hạnh cho rằng, mặc dù Hà Nội đã có ca thứ phát, có hiện tượng dịch phát tán tại cộng đồng, tuy nhiên chưa lây lan thành ổ dịch lớn. Các ca lây nhiễm chủ yếu là xâm nhập từ địa phương khác, song công tác phòng, chống dịch vẫn phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt.
Kêu gọi, vận động người dân hạn chế ra khỏi nhà
Báo cáo về việc rà soát các ca bệnh, đặc biệt là ca bệnh mới là BN 962, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, quận đã rà soát được 3 trường hợp F1 là đồng nghiệp của bệnh nhân và hai mẹ con chủ nhà trọ; 98 trường hợp F2, được cách ly tại nhà. Kết quả xét nghiệm RT-PCR 3 trường hợp F1 đã phát hiện 1 trường hợp dương tính (bệnh nhân V.H.C), hai trường hợp còn lại cho kết quả âm tính lần 1, đã đưa đi cách ly tập trung.
Về bệnh nhân V.H.C, F1 của BN 962, quận Thanh Xuân cũng rà soát được 3 trường hợp F1, 80 trường hợp F2. Ngoài ra, quận Thanh Xuân cũng đã triển khai văn bản của thành phố, trong đó tập trung vào việc tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết; không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng; dừng các lễ hội, tôn giáo; không tổ chức liên hoan, tiệc tùng...
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân V.H.C, F1 của BN 962, quận Hai Bà Trưng cũng cho biết, đã phun khử khuẩn ngõ 147 phố Trương Định, phát tờ rơi tại khu nhà trọ, yêu cầu người dân thực hiện vệ sinh nhà cửa. Quận đã chỉ đạo phường Trương Định thực hiện các biện pháp rà soát, truy vết, khoanh vùng đối với bệnh nhân dương tính.
Còn theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, liên quan đến BN 920 (Hải Dương), quận đã rà soát 1 trường hợp F1, 2 trường hợp F2. Liên quan đến BN 962 làm việc tại ngân hàng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, quận đã thực hiện phun khử khuẩn tại ngân hàng và yêu cầu cách ly tại gia đình đối với 55 trường hợp làm việc tại ngân hàng. Bên cạnh đó, quận cũng tiến hành xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng; khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết.
Báo cáo tại cuộc họp, các quận, huyện: Đống Đa, Thạch Thất, Đông Anh... cho biết, đã thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của thành phố. Các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế ra khỏi nhà, không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang ở nơi công cộng...
Báo cáo về công tác sàng lọc, phân luồng tại các bệnh viện, đại diện Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh viện phát hiện 2 ca bệnh; hiện đã cho xét nghiệm đội ngũ y tế, phân luồng khám, chữa bệnh bảo đảm đúng quy trình.
Đối với công tác xét nghiệm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Trương Quang Việt thông tin, với các mẫu xét nghiệm trường hợp F1 của Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng gửi, trong đó có bệnh nhân V.H.C, hiện có 13 mẫu đang chờ kết quả. CDC Hà Nội đang phối hợp với các bệnh viện thực hiện cách ly các trường hợp liên quan đến bệnh nhân đúng quy định; tăng cường bảo vệ các y, bác sĩ tại các bệnh viện; điều chuyển các ống mẫu xét nghiệp RT-PCR cho các địa phương để hoàn thành việc lấy mẫu cho các trường hợp ở Đà Nẵng về từ ngày 15-7.
Ông Trương Quang Việt cho rằng, hiện nay việc giám sát phòng, chống dịch trong cộng đồng tại các địa phương lỏng lẻo hơn giai đoạn trước, nhiều người dân vẫn không thực hiện giãn cách theo quy định.
Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cũng cho rằng, cần phải nghiêm túc hơn trong việc cách ly các trường hợp F1, không để tình trạng lây lan như trường hợp BN 962. Đồng thời, các địa phương cần phải quyết liệt hơn trong việc vận động nhân dân hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết, tăng cường xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Đề xuất thêm tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, ngoài các biện pháp đang thực hiện, các địa phương cần tăng cường kiểm soát công tác phòng, chống dịch tại hàng, quán. Các bệnh viện cần phải kiểm soát chặt người ra vào, thăm thân; thực hiện phân luồng khám, chữa bệnh đúng quy định...
Đóng cửa quán ăn, nhà hàng nếu không thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đánh giá cao các quận, huyện, thị xã đã quản lý chặt chẽ các ổ dịch trên địa bàn, nhất là rà soát các trường hợp F1, F2; tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế; tập trung lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp đi về từ Đà Nẵng từ ngày 15-7, cơ bản đã thực hiện được 70%, các mẫu xét nghiệm đã có kết quả âm tính; quản lý tốt các khu cách ly tập trung...
Dự báo về tình hình dịch trong thời gian tới, đồng chí Ngô Văn Quý nhấn mạnh, trên địa bàn thành phố đã có thêm ca thứ phát, nếu không làm tốt công tác kiểm soát dịch, có thể sẽ xảy ra việc lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, đồng chí Ngô Văn Quý nhận định, nguồn lây đến nay đều xâm nhập từ tỉnh ngoài, các ca bệnh khi được phát hiện đều được khống chế, khoanh vùng ngay, cơ bản thành phố đã kiểm soát được tình hình.
Từ đánh giá, phân tích trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm Văn bản số 3906/UBND-KGVX ngày 14-8-2020 của UBND thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, như: Đeo khẩu trang tại nơi công cộng; không tập trung quá 30 người; nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì báo cơ sở y tế; khuyến cáo người có tiền sử bệnh nền như tim mạch, bệnh mạn tính... không ra ngoài khi không cần thiết. Các công sở, công trường, nhà máy phải có phương án trong công tác phòng, chống dịch.
Đặc biệt, các nhà hàng, quán bia hơi, giải khát phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, như: Giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 1m, nên có vách ngăn, nhân viên phải đeo khẩu trang; thực hiện đo thân nhiệt cho khách... "Từ 0h ngày 19-8, tất cả cửa hàng ăn uống, cà phê, giải khát phải thực hiện nghiêm các biện pháp này", đồng chí Ngô Văn Quý nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố yêu cầu các địa phương kịp thời cách ly, phát hiện sớm các trường hợp F1, F2 liên quan tới các bệnh nhân; thực hiện phun khử khuẩn nơi ở đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện tốt công tác xét nghiệm RT-PCR cho các trường hợp từ Đà Nẵng về từ ngày 15-7, đến ngày 20-8 hoàn thành công việc này. Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu các địa phương nghiên cứu, mở rộng các đối tượng xét nghiệm (các trường hợp sốt, ho, khó thở...) để làm tốt công tác dự báo dịch.
Về công tác tổ chức phân luồng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu Sở Y tế phải đốc thúc các bệnh viện của trung ương, thành phố, các bệnh viện tư nhân phải thực hiện nghiêm túc bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch, tổ chức phân luồng khám, chữa bệnh theo đúng hướng dẫn, thực hiện cách ly triệt để những ca nghi ngờ không để lây nhiễm chéo trong cộng đồng. "Cơ sở y tế nào không bảo đảm an toàn sẽ bị đình chỉ hoạt động", đồng chí Ngô Văn Quý nhấn mạnh.
Trưởng ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các đơn vị phải quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai ngay công tác phòng, chống dịch tại cơ sở chăm sóc người cao tuổi, các trung tâm cai nghiện. Các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Kết luận tại cuộc họp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố phụ trách, điều hành hoạt động của Ban Cán sự đảng UBND thành phố và UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao sự quyết liệt và kịp thời của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố.
Với diễn biến dịch hiện nay, đồng chí Nguyễn Văn Sửu khuyến cáo người dân không nên ra khỏi nhà khi không cần thiết. Đồng chí Nguyễn Văn Sửu đề nghị các đơn vị tiếp tục tập trung, thực hiện các biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống dịch, trong đó, cần chú ý hoạt động kinh doanh tại các nhà hàng ăn uống, quán cà phê... Những hàng quán này cần nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn phòng, chống dịch, nếu không thực hiện nghiêm thì phải đóng cửa.