Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến về chính phủ điện tử

18:34, 26/08/2020

Chiều 26-8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử (CPĐT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các Ban Chỉ đạo xây dựng CPĐT bộ, ngành và Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành phố. Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban.   

Hội nghị hôm nay là dịp nhìn lại các kết quả thực hiện CPĐT thời gian qua, đặc biệt là việc triển khai các nhiệm vụ mà các bộ, ngành, địa phương được giao tại hội nghị đầu năm 2020, đánh giá những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, từ đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ,  xây dựng CPĐT là vấn đề lớn, vấn đề mới, thúc bách để đưa đất nước phát triển. Thời gian qua, công việc này đạt được một số bước tiến như xếp hạng chỉ số phát triển CPĐT chung của Việt Nam tăng 2 bậc (theo báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển CPĐT năm 2020 của Liên hợp quốc công bố tháng 7-2020).
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, do đó, cần phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đưa ra các chủ trương, biện pháp mới để tháo gỡ, thúc đẩy CPĐT ở Việt Nam. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, có các ý kiến thẳng thắn, nêu cao trách nhiệm để đóng góp vào xây dựng CPĐT. 
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình phát triển CPĐT và một số cách nghĩ, cách làm mới để thúc đẩy phát triển Chính phủ số, đối với triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh, về “cách nghĩ”, nếu có cái gì mới, các nơi chưa thực sự hiểu nó là gì, giúp ích được gì thì cần có 1 sản phẩm mẫu để các nơi sử dụng thử và sau khi dùng thử, trải nghiệm thử sẽ hiểu, thấy hiệu quả và họ sẽ tìm cách triển khai.
Và “cách làm” là nâng cấp nền tảng quốc gia NGSP (nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia), cung cấp cho tất cả các đơn vị có nhu cầu; thời gian triển khai kỹ thuật 1 ngày. Thời gian phối hợp kết nối, đào tạo, chuyển giao 3-5 ngày. 
Đối với triển khai dịch vụ công trực tuyến, phải chuyển từ tư duy cung cấp những gì đang có sang tư duy chủ động phục vụ, triển khai hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến PayGov…
Về theo dõi, đôn đốc, giám sát, thì muốn quản lý tốt thì phải đo đạc được, phải có số liệu và “cách làm” là triển khai hệ thống giám sát CPĐT - EMC, thu thập, đo đạc mức độ sử dụng Cổng dịch vụ công, mức độ truy cập, nộp, xử lý và trả kết quả dịch vụ công. 
Hằng năm, địa phương chi ngân sách trung bình khoảng 0,3% dành cho công nghệ thông tin. Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất, con số này phải tăng lên ít nhất 1%. 
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, sau hơn 8 tháng hoạt động, đến nay Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp  chính quyền.
Cổng dịch vụ công quốc gia nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, doanh nghiệp, đã đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký; hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 24.000 cuộc gọi và 7.800 phản ánh, kiến nghị.
Từ tháng 3-2020, hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành, đến nay đã có 9.000 giao dịch, riêng trong tháng 8-2020 có trên 3.000 giao dịch với số tiền khoảng 5 tỷ đồng.   
Tại Hội nghị, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sẽ chia sẻ kinh nghiệm, cách làm về chính phủ điện tử, chính phủ số, chuyển đổi số…