Đó là một trong những chỉ đạo được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài được tổ chức sáng 29-10. Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đại diện lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và đơn vị chủ đầu tư dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Tại Hội nghị, sau khi nghe báo cáo kết quả giải ngân ước thực hiện 10 tháng của cả nước và các ý kiến phát biểu làm rõ những khó khăn, thuận lợi, đề xuất kiến nghị… của nhiều bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đến nay, giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước đạt trên 60%, tuy là mức cao nhất từ trước đến nay, song chỉ còn hai tháng nữa là hết năm 2020 nên khối lượng cần phải giải ngân là rất lớn. Đối với nguồn vốn ODA cũng có chuyển biến, nhưng tỷ lệ còn rất thấp. Do đó, sau cuộc họp này, từng bộ, ngành, địa phương phải họp, rà lại để làm rõ trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn từng dự án. Cùng với đó, các bộ, ngành chức năng hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm đơn giản thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư. Hằng tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng xem xét, điều chuyển nội bộ vốn ODA giữa các dự án trong bộ, ngành, địa phương, đặc biệt các hiệp định vay sắp kết thúc năm 2020-2021, tránh tình trạng để mất vốn. Cần chấm dứt tình trạng ghi danh mục mà không có dự án.
Thủ tướng nhấn mạnh, ODA là một nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Đất nước đang thiếu nguồn vốn phát triển, các bộ, ngành có trách nhiệm trong việc tìm nguồn lực để phát triển đất nước khi hiện nay còn nhiều vấn đề bức xúc về vốn mà nguồn nhân sách Nhà nước chưa đủ như phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội, giao thông… Thủ tướng cho rằng, “chỉ khi nào chúng ta quyết tâm, đưa ra một mục tiêu cụ thể thì mới hành động được”, còn làm việc nửa vời thì không ổn.
Một vấn đề khác mà Thủ tướng cũng nói tại Hội nghị là tình trạng nhiều địa phương đi xin dự án ODA nhưng không bố trí vốn đối ứng cho dự án. Hay việc giải quyết thủ tục giải ngân ở địa phương còn chậm trễ, cơ quan nào gây khó khăn, phiền hà cho thủ tục ODA? Từ nay đến cuối năm còn cần phải giải ngân khoảng 41.000 tỷ đồng, do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để giải ngân tối đa khoản vốn này.
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương cần tập trung nêu rõ giải pháp, thẩm quyền của người nào, cơ quan nào, ban quản lý nào thì phải tự giải quyết, chứ không đá quả bóng từ tỉnh lên Trung ương.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài đến ngày 31-10 đạt 18.089 tỉ đồng, bằng 30,15% kế hoạch. Mức giải ngân này tuy cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái song tỉ lệ giải ngân vốn nước ngoài còn rất thấp.
Đối với Thái Nguyên, tính đến ngày 28-10, tổng số tiền giải ngân vốn nước ngoài đạt 410,6 tỷ đồng, bằng 43% tổng kế hoạch vốn giao.