Sáng 1-10, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam phối hợp với 4 tổ chức chính trị - xã hội trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn 2015-2020. Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đại diện lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Ban Đại diện NHCSXH tỉnh.
Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng CSXH thực hiện phương thức ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp Phụ nữ.
Tính đến 31/8/2020, tổng dư nợ chương trình tín dụng thực hiện theo phương thức ủy thác là 220.545 tỷ đồng, chiếm 99,56% tổng dư nợ, tăng 90.491 tỷ đồng so với năm 2014. Trong đó, dư nợ ủy thác qua Hội Liên hiệp Phụ nữ chiếm 38,8%; Hội Nông dân 30,6%; Hội Cựu chiến binh 16,7%; Đoàn Thanh niên 13,9%. Có 173.712 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) do 4 hội, đoàn thể cơ sở trực tiếp quản lý, với gần 6,5 triệu tổ viên còn dư nợ. Nợ quá hạn giảm từ 4,5% năm 2002 xuống còn 0,25% hiện nay; tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn đạt 94%, tăng 23% so với cuối năm 2014.
Đối với Thái Nguyên, tổng nguồn vốn NHCSXH tỉnh hiện đang quản lý là trên 3,6 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể chiếm 99,8%. Toàn tỉnh có trên 3 nghìn tổ TK-VV; nợ khoanh và nợ quá hạn chỉ chiếm 0,048% dư nợ ủy thác…
Trong thời gian tới, mục tiêu tín dụng chính sách đặt ra đó là dư nợ tăng trưởng bình quân hằng năm tăng 6-10%; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2% tổng dư nợ; tỷ lệ thu hồi nợ quá hạn trên 90%; tỷ lệ thu lãi đạt trên 95%; nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung hàng năm tăng bình quân trên 20%. Còn trong hoạt động ủy thác, mục tiêu tổng quát được xác định đó là tiếp tục đạt được sự tăng trưởng ổn định, chất lượng hoạt động ngày càng nâng cao; góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới…