Văn hoá doanh nghiệp có thể chiếm 20-30% hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, cần một tầm nhìn đa chiều, xác định mục tiêu với các giá trị là cốt lõi của doanh nghiệp; khuyến khích sáng tạo giá trị chung với con người là yếu tố quyết định; xây dựng môi trường làm việc mở và ứng dụng công nghệ thích nghi mọi hoàn cảnh để doanh nghiệp phát triển.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh vấn đề này khi phát biểu tại Diễn đàn “Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh” do Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức vào chiều 8-11 tại Hà Nội.
Bày tỏ vui mừng tới dự diễn đàn tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh và tôn vinh các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến tổ chức diễn đàn của Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”; vừa kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, vừa đẩy mạnh phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Diễn đàn cũng là dịp tôn vinh những doanh nghiệp có nỗ lực vượt bậc trong xây dựng, củng cố văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam; hướng tới Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, ngày 10-11 hằng năm.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, văn hóa doanh nghiệp có thể chiếm 20-30% hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, cần một tầm nhìn đa chiều, xác định mục tiêu với các giá trị là cốt lõi của doanh nghiệp; khuyến khích sáng tạo giá trị chung với con người là yếu tố quyết định, xây dựng môi trường làm việc mở và ứng dụng công nghệ thích nghi mọi hoàn cảnh để doanh nghiệp phát triển.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, doanh nghiệp phát triển thì đất nước sẽ phát triển, muốn đất nước thịnh vượng thì phải có lực lượng doanh nghiệp hùng hậu, lớn mạnh và phát triển bền vững. Doanh nghiệp luôn có vị trí đặc biệt, là động lực phát triển và đóng góp quan trọng nhất vào quy mô và tốc độ tăng trưởng của kinh tế đất nước.
Trong hai thập kỷ qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển đột phá, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy các nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quyết định vào việc duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề xã hội. Hiện nay, cả nước có trên 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đóng vai trò quan trọng với đóng góp khoảng 42%GDP và tạo ra hơn 50 % việc làm cho xã hội. Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ đại dịch COVID-19 đang tác động nghiêm trọng tại nhiều nước trên thế giới và đã đẩy kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng nhất kể từ đại suy thoái 1929 - 1933, gây ra khủng hoảng nghiêm trọng về y tế, lao động, việc làm, an sinh xã hội và tác động đến trật tự kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu. Hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới và rất nhiều nền kinh tế lớn, các nước trong khu vực tăng trưởng âm trong năm 2020.
Ở nước ta, đại dịch COVID-19 đã và đang tác động chưa từng có đến mọi mặt đời sống KT-XH của đất nước, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị đình trệ, đe dọa sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp và việc làm của hàng chục triệu người lao động, nhất là đối với ngành hàng không, du lịch, dịch vụ... Bên cạnh đó, đại dịch COVID - 19 cũng tác động, ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa của người dân nói chung, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp nói riêng. Trong nước, chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đã chỉ đạo phối hợp bài bản, nhịp nhàng, chủ động xây dựng và đẩy mạnh các biện pháp thực hiện mục tiêu kép. Tình hình phát triển KT-XH những tháng cuối năm 2020 đã có nhiều điểm sáng, tạo đà cho tăng tốc trong thời gian tới.
Đối mặt với đại dịch COVID19, tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, lợi ích quốc gia, trách nhiệm cộng đồng, giá trị xã hội... đã và đang nổi lên như một nhân tố, một “quyền lực mềm” kết nối tinh thần dân tộc, đưa Việt Nam từng bước vượt qua đại dịch. Thành công trong phòng chống dịch COVID-19 vừa qua thêm khẳng định những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người dân thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, tinh thần đoàn kết “tương thân tương ái”, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, tô điểm cho bản lĩnh, khí chất con người Việt Nam. Chắc chắn tất cả những gì chúng ta đã và đang làm sẽ củng cố uy tín, niềm tin vào năng lực giải quyết vấn đề của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Từ góc độ văn hóa kinh doanh, đại dịch COVID-19 đã tác động đến tất cả các nhân tố thuộc về văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp như: Triết lý, đạo đức kinh doanh, văn hóa ứng xử, văn hóa tiêu dùng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, sáng tạo xã hội, tinh thần kinh doanh và xã hội, khởi nghiệp sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững...
Để góp phần giảm nhẹ tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế và đời sống người dân, thời gian qua Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn. Đáng chú ý là Kết luận số 77- KL/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về chủ trương khắc phục tác động của dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế, hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Đến nay, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đoàn thể và cá nhân đã đồng hành cùng Chính phủ tìm cách tái thiết kinh tế đất nước trong bối cảnh “bình thường mới”; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, các giải pháp đặc thù từ góc độ văn hóa vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ thống nhất cao với các chia sẻ từ các diễn giả đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về những tác động thuận - nghịch của đại dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp, về vai trò của văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trong việc giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch và tái thiết kinh tế.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, ông đã lắng nghe một cách cầu thị những kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nâng cao vai trò của văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh mới và sẽ sớm có phản hồi để các đề xuất hữu ích nhanh chóng đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, cần phải tiếp tục phòng chống dịch bệnh COVID-19 thật tốt, đồng thời càng phải nỗ lực trong phục hồi kinh tế đất nước với tinh thần “tự lực, tự cường mạnh mẽ hơn nữa, tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tin và cả bản lĩnh, trí tuệ của chúng ta.
“Tôi đồng ý với nhận định mà nhiều diễn giả, đại diện cho các doanh nghiệp phát biểu, muốn doanh nghiệp phát triển bền vững, cùng với việc doanh nghiệp phải xác định rõ chiến lược, mục tiêu kinh doanh; xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại, hiệu quả; xây dựng thương hiệu; nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và không ngừng đổi mới, sáng tạo thì doanh nghiệp cần phải xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, xác định đây là vấn đề cốt lõi, là nền tảng cho doanh nghiệp phát triển”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ bày tỏ.
Nhắc lại câu nói nổi tiếng của Bác Hồ kính yêu: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Phó Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp cần phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Khi đó sẽ nhân lên sức mạnh của văn hóa kinh doanh trong bối cảnh mới, chính là đã làm tốt việc “soi đường” của văn hóa trong phát triển kinh tế đất nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng ghi nhận những kiến nghị của các doanh nghiệp tại diễn đàn này và khẳng định Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, sẽ tạo hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngày càng phát triển, có đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển của đất nước.
Tại diễn đàn, đại diện cho các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn xây dựng Hoà Bình, TH, PNJ, May 10, FPT… đã trao đổi về những khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế mới đang đứng trước tác động của đại dịch COVID-19 đến văn hoá kinh doanh và tôn vinh các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực Cuộc vận động xây dựng văn hoá doanh nhân Việt Nam.